Từ thời miền núi còn ẩn giấu dưới những tán rừng Trường Sơn, câu chuyện cố kết cộng đồng luôn được nhắc đến như ngưỡng vọng cho hành trang mới, đầy tự hào.
Già làng Y Kông – nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, nếu không có tinh thần đoàn kết sẽ không có một vùng đất mà ở đó người Cơ Tu, người Kinh, Ca Dong, Tày, Nùng… cùng chung sống trong một ngôi làng; sẽ không có những mảnh đất được chia đều, không có câu chuyện “đói no, sướng khổ cùng nhau” như bây giờ. Đó là điều quý giá nhất!
Kiên cường đi lên
Ông Đặng Tấn Giản – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam có tính cộng đồng cao. Đặc biệt, họ có niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.
Nhưng, điều trăn trở nhất ở vùng này là địa hình phức tạp, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông chưa phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao…
Lời ông Giản làm tôi nhớ lần đầu tiên đặt chân đến huyện Tây Giang gần 20 năm trước. Thời điểm đó, trung tâm huyện được chọn đặt tại thôn Agrồng (xã A Tiêng), nhưng mọi thứ vẫn chỉ ở “con số 0”.
Không hạ tầng cơ sở, không dịch vụ thiết yếu, nơi này gần như chỉ có những mái nhà chòi lá đơn sơ được dựng theo sườn núi. Bẵng một thời gian, những người lâu ngày trở lại Agrồng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một đô thị ven núi thoai thoải theo hình cánh cung, với diện mạo đổi khác.
Tuyến đường độc đạo, được phân nhánh nối các bản làng người Cơ Tu theo hướng liên vùng. Trung tâm hành chính huyện khang trang, với điểm nhấn là quảng trường rộng thoáng, Công viên Thống Nhất và Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang – Bhling Mia nói, những đổi mới ở địa phương, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ghi dấu ấn đáng khích lệ từ người dân, cộng đồng.
Tinh thần đoàn kết đã giúp đồng bào Cơ Tu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững bằng các sản vật đặc trưng của vùng.
Từ một địa phương có số hộ nghèo gần như tuyệt đối, đến cuối năm 2023, Tây Giang chỉ còn 50,61% số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Bằng các giải pháp động lực, Tây Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 25%.
“Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn. Đồng thời chú trọng sắp xếp, ổn định dân cư gắn với an sinh xã hội, nhằm thúc đẩy người dân giảm nghèo nhanh và bền vững” – ông Mia nói.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2029, vùng DTTS và miền núi của tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 40% lao động xã hội; 70% tỷ lệ lao động qua đào tạo; độ che phủ rừng đạt hơn 69%; nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 100%…
Sắt son niềm tin vào Đảng
Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS thời gian qua được ví như bàn đạp để miền núi vực dậy, thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Có thể điểm qua một vài chương trình, dự án vốn được xem như động lực phát triển vùng đặc biệt khó khăn, như các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới.
Riêng ở Quảng Nam, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai thực hiệu có hiệu quả, thời gian qua, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây.
Cụ thể, nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu; nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng và nhóm dự án về phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào DTTS và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Nhờ vậy, đến nay có 3/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch, bao gồm tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng và tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 7/15 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch.
Ông Alăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, qua thống kê, tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho miền núi giai đoạn 2019 – 2024 hơn 12.777 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 6.831 tỷ đồng). Từ nguồn lực trên, Quảng Nam triển khai hàng nghìn dự án, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Theo ông Mai, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 43,62% theo tiêu chí đa chiều, mức giảm nghèo bình quân 6,6%/năm; nâng thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng (năm 2019) lên 24 triệu đồng vào năm 2023. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. “Đây chính là trợ lực để miền núi phát triển và định hướng xây dựng cuộc sống mới ngày thêm ấm no, giàu đẹp” – ông Mai nói.
Trong thành công của phát triển Quảng Nam hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của đồng bào các DTTS. Phát huy tinh thần đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các DTTS đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng luôn được phát huy, tạo sự gắn kết bền chặt, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.
Để xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng DTTS, trước tiên phải xây dựng đời sống vật chất, tinh thần của người dân thật tốt và ngày càng phát triển. Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Vì thế, tôi kỳ vọng từ các nguồn lực này sẽ làm tốt hơn điều kiện sống của người dân, giúp miền núi vượt qua khó khăn đặc thù.
Cùng với đó, Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, là sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân miền núi; đồng thời tập trung phát triển kinh tế hàng hóa, nhất là phát huy hiệu quả vùng dược liệu và có chủ trương chính sách mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho miền núi…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bung-sang-niem-tin-cong-dong-3141587.html