Theo kiến nghị của cử tri, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục, vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học; số lượng biên chế tinh giản dẫn đến khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo. Đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ có giải pháp tinh giản biên chế phủ hợp đối với ngành này.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương cần có lộ trình và giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” một cách phù hợp.
Không cắt giảm cơ học số biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện tinh giản biên chế; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 32 ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Theo đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
Đề nghị tỉnh Quảng Nam có phương án ưu tiên biên chế cho ngành giáo dục. Đồng thời tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao theo tinh thần Chỉ thị số 32 ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111 ngày 30/12/2022 của Chính phủ, bảo đảm định mức giáo viên đúng lớp theo quy định.
Bộ GD-ĐT đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ, các cơ quan Trung ương có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền và của các địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bo-gd-dt-tra-loi-cu-tri-quang-nam-ve-tinh-gian-bien-che-nganh-giao-duc-3147232.html