Nằm ở vị trí cửa sông, ven biển, địa hình bị chia cắt bởi nhiều nhánh của sông Thu Bồn, Đế Võng và các đầm, bàu, khe suối… Hội An có môi trường sông nước đa dạng. Từ tính chất sông ngòi làm nên sự phong phú của môi trường sinh thái, cũng đã hình thành các nhóm nghề đánh bắt sông nước truyền thống.
Cững từ quá trình hình thành cộng đồng dân cư, sự phát triển nghề nghiệp, những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn liền với sông nước được các thế hệ cư dân Hội An sáng tạo, bồi đắp, trong đó có những tập tục dân gian liên quan đến bến sông.
Đối với các địa phương ven sông như Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Hà… các lễ tục liên quan đến bến sông là những lễ tục quan trọng trong năm.
Tại xã Cẩm Kim, lễ cúng do những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển và cộng đồng cư dân sống lân cận bến sông tổ chức. Lễ cúng nhằm cầu may mắn, làm ăn thuận lợi, phát đạt, cuộc sống yên bình khi năm mới bắt đầu.
Là một trong những cư dân gắn bó với nghề sông nước tại Cẩm Kim hơn 50 năm, ông Phan Nha (thôn Đông Hà, Cẩm Kim), chia sẻ, tục cúng bến sông là truyền thống của địa phương, mang ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của người dân vùng sông nước từ bao đời nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy theo điều kiện địa phương, quy mô lễ cúng ở mỗi nơi khác nhau. Một năm sẽ có hai lệ, lệ mùa xuân vào ngày 16 tháng Giêng, lệ mùa thu vào ngày 16/7 âm lịch. Lễ cúng bến nước chủ yếu tập trung vào lệ mùa xuân. Đối tượng cúng tế là các vị thần sông nước, đất đai, thành hoàng bổn xứ…
Lễ cúng thường diễn ra vào buổi chiều, được tổ chức bài bản, có ban tế lễ và sự tham dự của cộng đồng cư dân. Người được chọn làm chánh tế phải là người am hiểu văn hóa truyền thống, song toàn, hiền hòa, đức độ, không mắc một số điều kiêng kỵ theo quan niệm của cộng đồng.
Sau lễ cúng, cộng đồng tổ chức đua ghe ngang. Việc đua ghe không chỉ đơn thuần tranh thắng bại mà thể hiện tâm niệm mong cầu bình an, mạnh khỏe, may mắn, thuận buồm xuôi gió trong công việc làm ăn.
Gắn liền với lễ cúng bến sông thì đua ghe là một trong những hoạt động đặc trưng của vùng sông nước và được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.
Đối với những người làm nghề đánh bắt sông nước, mở đầu mùa đánh bắt của năm là lễ cúng mở hàng. Lễ này được tổ chức theo quy mô gia đình, cúng tại bến sông nơi họ xuất hành làm nghề.
Với mâm lễ vật gồm áo giấy, gạo muối, bánh trái…, người dân mang ra bờ sông để cúng, nhằm cầu mong việc hành nghề trong năm được thuận lợi, bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Ngoài ra, vào dịp đầu năm, sau lễ cúng xóm vài ngày, những người làm nghề sông nước tổ chức lễ cúng chung gọi là cúng vạn. Tại vạt đất rộng ở bến sông, lễ vật cúng gồm thịt, cá, xôi, chè, hoa quả, rượu trà, kim ngân, áo giấy… Lễ này không ngoài mục đích mong cầu an toàn trong quá trình hành nghề trên sông nước của những “vạn”.
Lễ cúng bến sông ở một số vùng của Hội An được duy trì từ xưa đến nay, là một trong những giá trị tiêu biểu của loại hình lễ lệ, lễ hội. Hội An đang hướng tới việc đưa những tục lệ này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc của những vùng ngoại thị Hội An.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ben-hien-thuyen-dau-3148247.html