Cơm nhà mình
Đãi bạn thăm bất ngờ đôi khi chỉ đơn giản dĩa rau luộc, tô canh hến rau ngót, mấy con cá chiên vội cùng chén mắm vừa đủ gọi là mâm cơm. Dọn xong cũng mướt mồ hôi vì chủ căn bếp phải vừa lo chuyện cơ quan vừa tranh thủ ngang chợ mua nguyên liệu. Bữa cơm trưa vì thế cũng có cảm giác vội vàng.
Vậy mà bạn không ngớt đũa với bữa ăn chỉ 3 món. Bạn nói cơm ngon vì đang được ở trong tổ ấm của bạn mình. Căn bếp rộn ràng với những câu chuyện bạn bè lâu ngày gặp nhau. Những vụng về từ phía người chồng phụ vợ, qua mắt nhìn của bạn, cũng thành chỉ dấu của đời sống hạnh phúc, yên ổn.
Tuổi chạm 40 nhưng bạn vẫn chưa có duyên để ngồi cùng bạn đời với bữa cơm nhà đơn giản. Giấc mơ về bát đũa leng keng trong căn nhà nhỏ theo thời gian dần thưa sớt.
Những chuyến đi, những gặp gỡ, cả những thành công lẫn thất bại trong công việc, chiếm trọn thời gian và không gian của người bạn nhỏ nhắn. Bạn nói đôi khi lại là may mắn, để tâm trí không lẩn quẩn về giấc mơ là một người bình thường.
Tôi ngồi nhìn bạn chậm rãi gắp cọng rau luộc chấm mắm ớt – thứ mắm nên mùi từ con cá cơm ủ chượp của người miền biển xứ Quảng, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay vì mặn. Bạn người miền Nam quen ăn món ngọt. Chủ nhà miền Trung lại thích đậm đà, ớt cay. Vậy mà bữa cơm…”ngon không chê vào đâu được” – bạn nói.
Bữa cơm trưa với bạn qua mau vì chúng tôi phải đi làm. Nhưng dư hương có lẽ theo bạn đi khắp miền. Tôi biết vậy vì thỉnh thoảng bạn lại nhắn: nhớ cơm nhà mình.
“Cơm nhà mình” hình như chỉ mặc định dành cho những người thân nhắc nhau. Nhưng bạn tôi, một người phụ nữ tạm gọi thành công, có vị thế trong xã hội, đôi khi chỉ mong được nhắn cho ai đó về “ăn cơm nhà”, đã chọn chữ “nhà mình” để nhớ về trải nghiệm cùng bạn bè.
Khởi từ mâm cơm
Trong văn hóa Việt, những món ăn trong bữa cơm gia đình thường được dọn vào một chiếc mâm. Và thay vì dùng từ bữa cơm, người Việt gọi là “mâm cơm”.
Từ xưa, mâm cơm đã mang hình tròn. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, hình tròn gợi nhắc tới sự vẹn nguyên, với ý nghĩa sum vầy, đầy đặn. Dọn thức món vừa đủ trong một mâm tròn, người trong nhà quây quần bên mâm cơm. Những câu chuyện cũng từ tốn được kể ra, không vội vàng, cuống quýt.
“Hình tròn chẳng có điểm đầu, cũng không có điểm kết, như những giá trị truyền thống cứ tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bên mâm cơm hình tròn, không có ai bị bỏ lại trong những cuộc trò chuyện.
Mâm cơm nhỏ, đủ để đựng vài chiếc chén đĩa, đủ để người nhà có thể lắng nghe nhau, đủ để những cánh tay vươn ra gắp cho nhau miếng ngon không bị chới với, đủ để những câu chuyện bên mâm cơm không phải lớn tiếng, gắt gỏng hay khó chịu” – tôi đọc được trong một đoạn quảng cáo về… nước mắm.
Sở dĩ người tạo nội dung cho thương hiệu nước chấm chọn mâm cơm nhà để bắt nhịp quảng cáo, bởi thứ nước chấm này luôn được đặt ở giữa mâm cơm.
Tôi lan man nghĩ, ông bà ta khi xưa nói trời tròn đất vuông, và mâm cơm hình tròn truyền thống, sâu xa phải chăng nói về cuộc đời? Rằng những “gia vị” nhân gian rồi sẽ đều quy về phía trong hình tròn này.
Mọi thứ sẽ bắt đầu từ mâm cơm nhà, bằng cách nhìn một đứa trẻ cầm đũa cho đến kẻ trưởng thành, mỗi lần ngồi cùng người thân với mâm cơm ở giữa, không dưng bản ngã con người về nguyên sơ nhất – là con người với phiên bản chính mình khi ở giữa người thân.
Rồi những “mâm cơm nhà” như ngày xưa cũng dần thưa sớt trong gia đình Việt. Cũng…”bữa cơm nhà” nhưng vì hoàn cảnh công việc, lại cùng nhau ăn ở quán. Hay cũng bữa cơm nhà mình dọn ra vào buổi chiều mùa mưa, lại khuyết đi một đôi đũa, cái chén. Mẹ xới một chén đầy, lầm rầm nhắc chuyện buổi cơm cuối cùng…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bat-dia-tinh-than-3142659.html