Theo già làng Chơrum Nhiêr, ở thôn Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi), người Tà Riềng luôn xem kho lúa là hình ảnh của sự no ấm, nơi cư ngụ của thần lúa Yang Si Bha.
Hằng năm, sau đợt thu hoạch lúa rẫy, cộng đồng Tà Riềng tổ chức lễ cúng cơm mới (Tơl Ba Riang) tạ ơn thần lúa đã ban tặng dân làng những hạt thóc dẻo thơm.
Từng gùi lúa được mang về, đặt dưới nhà kho. Những chàng trai, cô gái Tà Riềng nổi chiêng trống, cùng hòa theo nhạc cụ đinh tút và vũ điệu rê rê, di chuyển quanh kho lúa. Đó là cách mà người Tà Riềng mừng hồn lúa về làng, trước khi tổ chức lễ Tơl Ba Riang.
Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng thần, ngoài việc dựng cây nêu, sửa lại nhà kho, người Tà Riềng đặt tất cả đồ cúng lên sạp tre sát cạnh cây nêu, ở giữa là rượu cần, hai bên đặt hai gùi lúa và các sản vật do thiên nhiên ban tặng.
Trong trang phục thổ cẩm, già làng đến trước cây nêu khấn xin thần linh: “Mời các vị thần xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, dân làng mùa vụ mới làm ăn khá giả, được mùa, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn”.
Vừa khấn vái, già làng vừa dõi theo con gà trống đặt trên gùi lúa thiêng. Nếu con gà trống ăn hạt thóc hoặc cất tiếng gáy vang ngay trong lễ cúng, có nghĩa báo hiệu cho mùa màng năm sau tươi tốt, bội thu.
Sau đó, già làng ôm con gà lên bới thóc trong hai chiếc gùi lúa trước khi cắt tiết, tay nắm đầy những hạt thóc rồi tung lên trời, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với dân làng…
Già Chơrum Nhiêr cho hay, trước khi diễn ra nghi thức Tơl Ba Riang, người Tà Riềng thường cúng thần nhà, thần đất dưới kho lúa – một loại hình văn hóa truyền thống.
“Người Tà Riềng tổ chức Tơl Ba Riang nhằm biểu hiện sự biết ơn đối với thần lúa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày trước, nghi lễ Tơl Ba Riang thường được tổ chức tại không gian riêng của gia đình, với sự tham gia của cộng đồng làng.
Họ cùng tận hưởng thành quả lao động, tỏ lòng biết ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa đã cho dân làng mùa lúa bội thu, cuộc sống no ấm” – già Chơrum Nhiêr chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Hùng – Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Nam Giang cho biết, lễ hội Tơl Ba Riang mang ý nghĩa trân trọng, nâng niu hạt lúa, hạt ngọc của thần linh. Đây là nét đặc trưng trong lễ mừng cơm mới của cộng đồng Tà Riềng.
“Ngoài mục đích bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng, chúng tôi đang tính đến xây dựng một sản phẩm du lịch nguyên bản đặc trưng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai” – ông Hùng nói.