(QNO) – Tại hội thảo nuôi biển tự nhiên kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP.Hội An, các chuyên gia bảo tồn biển đã nhận định nhiều mối nguy đến bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm và đề xuất các giải pháp để hành động thiết thực.
Đa dạng hoạt động bảo tồn biển
Đến thời điểm này diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) là 23.500ha, trong đó diện tích biển 21.888ha với phong phú các loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, ốc vú nàng, trai tai tượng, bàn mai, cá hồng, cá mú… Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương thực hiện dự án phục hồi và bảo tồn rùa biển. Qua nhiều khảo sát nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các yếu tố liên quan tới rùa biển, đã thực hiện 6 đợt “chuyển vị” trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm với số lượng 1.900 trứng. Các đợt thả rùa con sau ấp nở về biển thành công.
Ứng dụng “công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng” đã cho thấy hiệu quả. Đã xây dựng được 2 vườn ươm san hô với 30 khung được thiết lập và 2 vùng san hô được phục hồi với tổng diện tích 4.000m2 tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng. Hoạt động phục hồi đã gia tăng độ phủ san hô cứng (4%), san hô mềm (hơn 3%), mật độ cá trung bình gần 1,5 lần. Nhờ đó cải thiện chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển.
Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, đã triển khai hoạt động giám sát sản lượng khai thác hải sản cho 56 hộ dân và thực hiện kế hoạch hành động về bảo tồn nguồn lợi hải sản tại tiểu khu Bãi Hương. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân sống trong và ngoài khu bảo tồn biển được quan tâm.
Ngoài ra, vận động các hộ dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với các loại hình sinh kế mang lại hiệu quả cao như dán nhãn sinh thái cua đá, nói không với túi ny lon, phân loại rác tại nguồn, lưu trú nhà dân…, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo động lực cho người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo.
Nhận diện mối nguy để hành động
Theo bà Trần Thị Hồng Thúy, hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm quy chế quản lý khu bảo tồn biển được thường xuyên thực hiện. Trong năm 2022 đã tổ chức 138 lượt tuần tra (122 lượt tuần tra bằng đường thủy, 16 lượt tuần tra bằng đường bộ), phát hiện và xử lý 72 trường hợp vi phạm. Xử lý phạt tiền 35 trường hợp với tổng số tiền hơn 132 triệu đồng; cảnh cáo, nhắc nhở 31 trường hợp.
Bà Bùi Thị Thu Hiền – Giám đốc Chương trình biển và vùng bờ, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam cho rằng những mối nguy đến hoạt động của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là hoạt động đánh bắt thủy sản theo các phương pháp hủy diệt của ngư dân đến từ địa phương khác; ô nhiễm biển từ đất liền và trên biển; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch, đặc biệt trong vùng lõi bảo tồn biển; hoạt động phát triển vùng bờ…
Bà Hiền đề xuất, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cần mở rộng các khu vực được bảo vệ như khu vực đa dạng sinh học cao; khu duy trì nguồn giống hải sản; khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác (OECMs); khu bảo tồn biển di động (mMPAs), bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các loài di cư.
Theo PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, các khu bảo tồn biển ở Việt Nam nói chung hiện nay có hiệu quả thấp đối với tái tạo nguồn lợi hải sản; vẫn còn tình trạng khai thác cạn kiệt, kể cả vùng lõi. Bởi vậy, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cần thực hiện nhiều hành động như lập kế hoạch tổng thể; huy động doanh nghiệp; tạo nguồn giống (nhân tạo và tự nhiên); bảo vệ và phục hồi sinh cư tự nhiên, rạn nhân tạo; nuôi lồng công nghệ cao, thân thiện môi trường kết hợp du lịch – nuôi đa loài.
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sẽ tiếp tục kiện toàn khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển. Xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ, chính sách chuyển đổi sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống xung quanh các khu bảo tồn biển. Đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, trang bị cơ sở vật chất để tăng cường năng lực quản lý cho Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Xây dựng trạm, cơ sở cứu hộ động vật biển tại khu bảo tồn…