Tại không gian trưng bày của Bảo tàng Quảng Nam, các em được nghe thuyết minh về những hiện vật thuộc sơ kỳ thời đại đá mới, tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Trên cơ sở bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa hiện hành, có sự cập nhật, bổ sung những vấn đề mới theo định hướng đổi mới căn bản, toàn diện.
Sức hấp dẫn của chương trình này không chỉ có nội dung gắn liền với các hiện vật lịch sử gắn với các di chỉ khảo cổ học trong tỉnh mà còn ở nội dung, cách truyền tải cô đọng, súc tích và các giao diện bài giảng được thiết kế sinh động, ấn tượng giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ về các mốc lịch sử quan trọng của sơ kỳ thời đại đá mới, tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh.
Đặc biệt, chương trình còn tổ chức những trò chơi trải nghiệm với những câu hỏi đua tài trí tuệ gắn liền với chủ đề buổi học được xây dựng, thiết kế sinh động và phù hợp với lứa tuổi của các em. Sôi nổi nhất vẫn là trò chơi ghép gốm, tập làm nhà khảo cổ học.
Ông Trần Văn Đức – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho biết: “Bảo tàng được khẳng định là cơ quan giáo dục, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Dựa trên hệ thống hiện vật, tư liệu lịch sử phong phú tại đây có thể xây dựng được những chương trình hấp dẫn, sáng tạo khơi gợi tinh thần học hỏi của các em. Trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Nam sẽ xây dựng nhiều chương trình giáo dục nhằm kết nối, đưa Bảo tàng tỉnh đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh”.