Chờ đợi từ Đồng Dương
Trong diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3ha của di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương tại Bình Định Bắc (Thăng Bình) vẫn còn 11 nhà dân, 112 ngôi mộ cùng nhiều diện tích đất hoa màu, đất trồng rừng, cây trồng hàng năm.
Mỗi năm, huyện Thăng Bình chi 20 triệu đồng để phát quang khu vực xung quanh cổng Tháp Sáng và đường vào di tích. Riêng di tích Tháp Sáng, UBND tỉnh cấp kinh phí làm giá đỡ bằng kim loại thay thế cho giá đỡ gỗ bị hư hỏng do thiên tai từ năm 2013 đến nay.
Những nỗ lực bảo vệ di tích chỉ dừng lại ở đó, trên thực địa, suốt 13 năm ròng. Cổng Tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa bị rơi rớt, có nguy cơ ngã đổ nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, UBND huyện đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh tạo điều kiện cho Đoàn chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương.
“Thăng Bình đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế, kế hoạch, định hướng cụ thể để khảo sát, tôn tạo, trùng tu Di tích quốc gia đặc biệt Phật Viện Đồng Dương nhằm phát huy giá trị của di tích.
Trước mắt, đề nghị các sở, ngành của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ để thực hiện đo đạc, đền bù, giải phóng mặt bằng vùng lõi của di tích (quy mô khoảng 5,2ha) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.
Dù UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí, song do quy định của Luật, dự án giải phóng mặt bằng không thể là dự án độc lập nên không thực hiện được theo chủ trương”, ông Hùng nói.
Khẩn cấp bảo vệ di tích
Đại diện Ban Quản lý Di tích và danh thắng cho hay, đối với di tích quốc gia tháp Chiên Đàn, đơn vị đang tích cực xây dựng hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ VH-TT&DL triển khai trùng tu. Riêng đối với nhà trưng bày hiện nay khá chật chội, hàng rào bảo vệ ở nhà trưng bày đã gỉ sét nhiều chỗ.
Thiếu sức hút, chưa kết nối được các điểm đến trong khu vực nên cảnh thưa vắng khách tại một số di tích quốc gia cũng là tình trạng chung. Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, di tích địa đạo Kỳ Anh là một trong 3 địa đạo lớn của quốc gia, với chiều dài 32km. Địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997, và là điểm du lịch cấp tỉnh từ tháng 10/2023.
Giai đoạn 2017 – 2021, Tam Kỳ đã xây dựng nhiều hạng mục như nhà đón tiếp, khu vệ sinh, nhà trưng bày, cảnh quan lối vào địa đạo, mái che cửa hầm ông Tân, hầm thoát ra mương nước, hầm cây rơm, bãi đỗ xe, cây xanh tại khu vực bia tưởng niệm gần nhà đón tiếp khu di tích địa đạo Kỳ Anh, bến thuyền sông Đầm tại khu vực trước đình Vĩnh Bình. Đồng thời đầu tư, tu sửa đình Thạch Tân.
Một số dự án đã hoàn thành về thủ tục đầu tư, song chưa triển khai như trùng tu, tôn tạo cấp thiết nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết, đường hầm từ nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết ra bến sông Đầm, giếng ông Kỳ, đường hầm địa đạo khu vực sân vận động thôn Thạch Tân… Tam Kỳ còn dự định tôn tạo khu vực cây rõi, cải tạo ao sen, tạo cảnh quan, đầu tư nhà đón tiếp và xây dựng 3 đoạn đường bê tông mới kết nối giao thông.
Năm 2024, TP.Tam Kỳ dự kiến triển khai đầu tư hạ tầng du lịch, phát huy di tích địa đạo Kỳ Anh gắn với Bãi Sậy – Sông Đầm. “Thành phố sẽ lựa chọn các đoạn hầm địa đạo để tu bổ, làm không gian quảng trường Kỳ Anh tạo thành điểm đến du lịch, kết nối với sông Đầm. Dự kiến tổ chức phát triển du lịch cộng đồng gắn với khoảng 25 hộ làm nghề chiếu cói” – ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin.
Tính toán những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ hiệu quả các di tích quốc gia là điều Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, sau khi đi thực tế tại các địa phương.
Cụ thể, đối với Phật viện Đồng Dương, Sở VH-TT&DL chủ động nghiên cứu, phối hợp với địa phương tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục đất đai ở di tích Phật viện Đồng Dương.
Tại di tích tháp Chiên Đàn, cần tính toán đẩy mạnh số hóa di tích, quảng bá để hút khách, tạo sức hấp dẫn cho di tích quốc gia này cũng như khẩn trương trình hồ sơ đề nghị tu bổ các khối tháp.
Đối với địa đạo Kỳ Anh, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để tạo thành một điểm đến du lịch sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Đồng chí yêu cầu Tam Kỳ phải quan tâm bảo tồn, gìn giữ làng nghề để phục vụ du lịch cộng đồng quanh di tích, chuẩn bị các điều kiện để có thể kết nối với sông Đầm, với biển Tam Thanh, đa dạng điểm đến…