Theo đại biểu Dương Văn Phước, cần làm rõ các khái niệm “khu vực” và “vùng” tại Điều 8 và Điều 9 của dự thảo luật, theo đó, xác định rõ phạm vi, quy mô để làm cơ sở phân loại đường bộ, thuận lợi trong triển khai, thực hiện.
Đối với quy định tại Điều 17 về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm các quy định cụ thể để đảm bảo tính tường minh và chặt chẽ.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc tác động ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ, an toàn giao thông đường bộ của biển truyên truyền và biển quảng cáo là như nhau nên đề nghị điều chỉnh khoản 5 Điều 18 việc lắp đặt biển tuyên truyền cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu như quy định đối với biển quảng cáo.
Đối với việc quy định bến xe phải được xây dựng tại các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện trở lên và các khu vực cần thiết khác để phục vụ vận tải hành khách công cộng theo điểm a khoản 1 Điều 39, đại biểu đánh giá quy định này không đảm bảo tính khả thi, sẽ mang tính tùy tiện, gây lãng phí nếu không phát huy được hiệu quả, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc xây dựng bến xe tại các địa điểm đã được quy hoạch để đảm bảo phù hợp yêu cầu vận tải đường bộ, phù hợp với các hạng mục hạ tầng, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và chuyển tiếp với các phương thức vận tải khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, lưu thông hàng hóa tại địa phương và khu vực.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc đảm bảo quyền lợi của người dân và tổ chức tại địa phương khi có đất, công trình hạ tầng đã ổn định nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ.