Tam Hòa là xã vùng cát ven biển của huyện Núi Thành, có 80% hộ dân sinh sống bằng nghề nông nên các sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp ở đây rất đa dạng, phong phú như sắn (có nơi gọi là khoai xiêm), khoai môn, các loại đậu, dừa, bắp, mè…
Vào mùa thu hoạch, giá nông sản bán ra rất thấp nên nhiều hộ lấy nông sản để chế biến làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Một số gia đình dùng làm thực phẩm “ăn chơi” hàng ngày. Trong khi đó, nguồn nông sản của địa phương phong phú và đảm bảo sạch nhờ nông dân rất ít dùng các loại hóa chất từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch.
Chị Phạm Thị Triển chia sẻ, nắm được tâm lý người tiêu dùng về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch ở vùng quê, đồng thời để tận dụng nông sản sạch ở địa phương, tạo ra món ăn mang nét đặc trưng văn hóa vùng cát ven biển, chị đã dùng nếp và đậu xanh để làm bánh in đậu xanh.
Thành công đầu tiên là sản phẩm thu hút được một lượng tương đối lớn khách hàng tại địa phương nhờ vào đặc điểm nổi trội của sản phẩm của quê hương Tam Hòa.
Bà Lê Thị Anh Trúc – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Hòa cho biết: Điểm nổi trội của sản phẩm “Bánh in đậu xanh Kỳ Anh” là sản phẩm không có chất bảo quản, không phẩm màu; nguyên liệu chuẩn sạch, chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ; chế biến an toàn, đảm bảo vệ sinh; sản phẩm ngon, giòn, đậm hương vị của nếp và của đậu xanh.
Qua thực tế, sản phẩm có giá thành hợp lý đang được ưa chuộng trên thị trường. “Bánh in đậu xanh Kỳ Anh – món quà dân dã quê hương” mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm sạch, tự sản xuất của phụ nữ xã Tam Hòa và bước đầu đã đến với người tiêu dùng trên địa bàn huyện Núi Thành cùng các địa phương lân cận như TP Tam Kỳ, huyện Thăng Bình…
Để thực hiện dự án “Bánh in đậu xanh Kỳ Anh – món quà dân dã quê hương”, ban đầu, chị Triển đầu tư 40 triệu đồng, trong đó tận dụng không gian nhà ở, đầu tư cho nơi sản xuất, thiết bị, máy móc khoảng 20 triệu đồng.
Theo tính toán, năm đầu tiên, doanh thu trung bình đạt 5 triệu đồng/tháng, với sản lượng 200 gói bánh/tháng; năm thứ hai đạt 7 triệu đồng/tháng với 300 gói bánh/tháng, năm thứ 3 trở lên dự kiến đạt 10 triệu đồng/tháng với 500 gói bánh/tháng. Như vậy, năm đầu tiên, cơ sở sản xuất bánh in của chị Triển có doanh thu 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng; năm thứ 2, doanh thu 84 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 42 triệu đồng; năm thứ 3 trở đi, doanh thu 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng.
Theo bà Lê Thị Anh Trúc – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Hòa, mặc dù dự án có quy mô không lớn, doanh thu không cao, nhưng nó có tính bền vững, an toàn. Ý tưởng dự án “Bánh in đậu xanh Kỳ Anh – món quà dân dã quê hương” của chị Phạm Thị Triển đã đạt giải Nhì tại vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện với chủ đề “Phụ nữ Núi Thành khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.
Bánh in đậu xanh là sản phẩm rất thông dụng trên thị trường, được sử dụng trên các mâm tiệc, lễ cúng, giỗ, tết, ngày rằm, mùng một và là món khoái khẩu của nhiều người. Từ đó, sản phẩm góp phần phát huy được thế mạnh của nông sản vùng quê Tam Hòa, làm đa dạng và quảng bá sản phẩm địa phương vùng miền Núi Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm thu nhập bền vững cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Chị Phạm Thị Triển cho hay, bên cạnh những thuận lợi, hiện tại, cơ sở đang thiếu nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc. Vì vậy, thời gian đến chị mong muốn được địa phương và nhất là Hội Phụ nữ các cấp quan tâm, tạo điều kiện để cơ sở tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu “Bánh in đậu xanh Kỳ Anh – món quà dân dã quê hương” hiệu quả ngày càng cao hơn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/banh-in-dau-xanh-mon-qua-que-tu-vung-cat-tam-hoa-3143431.html