Tham gia buổi họp có đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Sở VH-TT&DL cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, phương án chạy tàu kết nối “chuyến tàu di sản miền Trung” giữa Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế đến, đi từ Quảng Nam bằng đường sắt, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời kết nối đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương: Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ vận hành đoàn tàu toàn bộ với sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam để đảm bảo hiệu quả triển khai; tại các ga Trà Kiệu, Tam Kỳ do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, vận hành, kết hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn/dịch vụ, cải thiện hình ảnh và đồng bộ với chất lượng toàn tàu du lịch để tạo thuận lợi nhất cho khách đi tàu.
Thời gian thử nghiệm do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xác định trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Giai đoạn tiếp theo, mời các công ty du lịch quan tâm tham gia vận hành đoàn tàu, nâng cao chất lượng đoàn tàu.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, với nỗ lực của các bên liên quan dự kiến trong năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” từ ga Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu, tiến độ thời gian vận hành phụ thuộc rất nhiều vào sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam.
Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 91,5km, gồm 8 ga: Nông Sơn, Trà Kiệu, phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành. Trong đó có 3 ga có tác nghiệp đón trả khách là: Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành. Khoảng cách từ ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) đến TP.Hội An gần 20km còn từ ga Trà Kiệu đến Khu đền tháp Mỹ Sơn khoảng hơn 23km.
Dịp này, doanh nghiệp du lịch địa phương đã nêu nhiều ý kiến, đóng góp giải pháp để tuyến đường sắt du lịch Đà Nẵng – Trà Kiệu một khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra hiệu quả, thu hút được sự hưởng ứng của du khách.
Tại buổi họp, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho rằng việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” đang chạy giữa Huế – Đà Nẵng, trước mắt đến ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) để lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận ga như Hội An, Mỹ Sơn có nhiều triển vọng và giao các đơn vị liên quan sớm xúc tiến, làm việc với phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để chốt phương án khả thi trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu sớm xúc tiến tuyến tàu nối miền di sản miền Trung với Ninh Bình để đa dạng hóa sản phẩm trải nghiệm du lịch đường sắt, gắn với các miền di sản.