Băn khoăn
Từ ngày 22 – 23/5, UBND xã Tiên Sơn tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân tại 6 thôn về nội dung dự thảo Đề án sáp nhập xã Tiên Sơn và xã Tiên Cẩm để thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) xã mới. Ghi nhận tại thôn 3 (xã Tiên Sơn), có 124/162 hộ dân tham dự hội nghị.
Có 10 ý kiến phát biểu của người dân đều thống nhất cao với chủ trương sáp nhập và lấy tên gọi Tiên Sơn của xã mới, phương án giải quyết cán bộ, tài sản công dôi dư. Tuy nhiên, các ý kiến khác cũng còn băn khoăn về địa điểm đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới theo dự thảo đề án.
Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi các cấp, nhiều người dân xã Tiên Sơn cùng ký đơn cho rằng, việc chọn trụ sở UBND xã Tiên Cẩm để làm trụ sở ĐVHC xã mới sau sáp nhập là chưa phù hợp, không đảm bảo tính cơ động trong lãnh đạo, quản lý điều hành và thuận lợi cho người dân có nhu cầu giải quyết công việc.
Nếu đặt trụ sở xã mới tại UBND xã Tiên Sơn, thì từ đây đến các thôn 4 và thôn 6 xa nhất của xã chỉ có 7km; đến điểm cuối của của xã Tiên Cẩm hiện nay là thôn Cẩm Phô và Cẩm Đông cũng chỉ 7km.
Ngược lại, nếu đặt trụ sở làm việc của trung tâm hành chính xã Tiên Cẩm hiện nay sẽ có nhiều bất lợi, bởi không thuộc vào trung độ của xã mới sau khi sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệu (thôn 3, xã Tiên Sơn), khu hành chính xã Tiên Cẩm hiện nay chỉ bằng 1/2 khu hành chính xã Tiên Sơn; trong khi đó, Tiên Sơn mới xây dựng trụ sở công an xã, trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao xã mới được nâng cấp, sửa chữa.
Trụ sở xã mới đặt ở Tiên Cẩm, còn trụ sở công an xã mới đặt ở Tiên Sơn thì sẽ khó đảm đảm an ninh trật tự cho khu vực trung tâm hành chính xã.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Lương Xu (thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm) bày tỏ, về vấn đề lựa chọn trung tâm hành chính của xã mới, nhiều ý kiến người dân của thôn cho rằng huyện cần tính toán kỹ lưỡng đến định hướng phát triển sau này.
Ngoài ra, người dân dù tâm tư về việc xóa tên xã Tiên Cẩm do sáp nhập nhưng vẫn đồng thuận vì chủ trương chung; bởi trong tâm thức mỗi người truyền thống cách mạng của vùng đất 3 xã Sơn – Cẩm – Hà là một.
Việc lựa chọn là tạm thời
Trao đổi với người dân thôn 3, ông Nguyễn Minh Xinh – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tiên Phước cho rằng, các ý kiến tham gia của người dân đều hết sức tâm huyết, trách nhiệm, chân tình đối với dự thảo đề án được huyện chuẩn bị. Quá trình xây dựng đề án thực hiện đúng theo quy trình, hướng dẫn của cấp trên.
Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đã họp bàn nhiều phiên, thảo luận rất kỹ lưỡng để đi đến thống nhất lấy tên Tiên Sơn và chọn địa điểm tạm thời đặt trụ sở ĐVHC xã mới sau sáp nhập là UBND xã Tiên Cẩm hiện nay.
Vì mục tiêu phát triển chung của xã mới sau sáp nhập, chứ không vì sự phát triển riêng của xã Tiên Sơn hay Tiên Cẩm. Việc nhập hai xã nêu trên theo đề án của huyện sẽ giải quyết được vấn đề sắp xếp xã Tiên Sơn trong giai đoạn 2026 – 2030. Sau sắp xếp, ĐVHC xã mới có diện tích tự nhiên là 40,11km2 (đạt 80,22%) và quy mô dân số 7.383 người (đạt 147% so với tiêu chuẩn).
Ghi nhận ý kiến của người dân thôn 3, ông Xinh cũng nêu rõ, bây giờ huyện tạm thời chọn trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới sau sáp nhập là UBND xã Tiên Cẩm.
Và cho biết thêm, đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định phê duyệt vùng huyện Tiên Phước. Các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm cũng chưa có phê quyệt quy hoạch xã.
“Sau khi sáp nhập, Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước sẽ chỉ đạo UBND huyện tổ chức khảo sát, hội thảo lấy ý kiến thống nhất của nhân dân về địa điểm xây dựng ĐVHC xã mới theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai” – ông Xinh nói.
So với các địa phương có ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay, tiến độ triển khai thực hiện tại Tiên Phước bị chậm lại.
Cụ thể là trong khâu tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân đối với dự thảo đề án và thực hiện các bước tiếp theo của quy trình. Lý giải vấn đề này tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Đảng ủy xã Tiên Sơn cho rằng, huyện đã họp bàn kỹ trong quá trình xây dựng đề án, nhất là khi có ý kiến khác nhau về một số nội dung liên quan nên đến tối 22/5 mới tổ chức lấy ý kiến người dân. Mong rằng qua hội nghị, người dân hiểu rõ vấn đề và có sự đồng thuận cao đối với đề án.