Theo diễn văn tại buổi họp mặt, trong suốt 16 năm mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/1975), các thế hệ bộ đội Trường Sơn đối mặt với 733 trận oanh kích đủ loại máy bay của Mỹ, với hàng triệu tấn bom đạn, hàng triệu lít chất độc hóa học. Nhưng chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã vượt qua tất cả để mở 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang, hơn 17.000km đường xe cơ giới.
Cuối tháng 4/1968, Ban giao vận Quảng Đà được thành lập với yêu cầu cơ động hơn, tập trung củng cố các hành lang, đội vận tải, bến đò, kho tàng, bến bãi, các trạm tải thương, tuyến đường huyết mạch…
Năm 1969 – 1970 là thời điểm ác liệt nhất của chiến trường Quảng Đà. Địch tổ chức các trận càn quét đẫm máu, dồn dân vào các khu tập trung, thực hiện cách ly nhân dân với cách mạng. Ở vùng giải phóng, Mỹ – ngụy thực hiện chính sách “tam quang” (đốt sạch, giết sạch, phá sạch), cày ủi làng xã thành vùng trắng, cắt đường tiếp tế cho cách mạng, thường xuyên phục kích đánh phá khiến các lực lượng vận tải gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Đặc Khu ủy Quảng Đà yêu cầu Ban giao vận cùng hậu cần Mặt trận 44 phải tìm mọi cách soi đường, tổ chức vận chuyển gạo, muối… tiếp tế kịp thời để cứu đói cho lực lượng ta.
Trong hơn 2 năm 1973 – 1974 và đầu năm 1975, vượt qua mọi gian khó, thiếu thốn, bằng ý chí và sức người là chính, Ban giao vận Quảng Đà đã mở nhiều tuyến đường quan trọng, vận chuyển dự trữ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm… góp phần thắng lợi vào chiến dịch giải phóng Nông Sơn, Thượng Đức và giải phóng Đà Nẵng.
Dịp này, Ban liên lạc giao vận Quảng Đà trao kỷ niệm chương cho lãnh đạo huyện Nam Giang và tặng quà học sinh nghèo vượt khó của huyện.