Phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My về chặng đường 75 năm trưởng thành và phát triển của huyện miền núi này.
– Thưa bà, chặng đường 75 năm qua, Đảng bộ Bắc Trà My đã có những mốc trưởng thành đáng nhớ nào?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: 75 năm đi qua là chặng đường đầy gian khó đối với huyện Bắc Trà My trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Ngay sau ngày thành lập Đảng bộ, huyện Trà My gặp thách thức trên mọi lĩnh vực: địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, nhiều thành phần dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào làm nương rẫy… Do đó, Đảng bộ huyện vừa phải xây dựng Đảng, vừa phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, huyện Trà My trở thành căn cứ địa, nơi đứng chân của các lực lượng cách mạng Quân khu 5. Đặc biệt, chiến thắng đồn xã Đốc vào ngày 27/3/1971 đánh dấu mốc Trà My hoàn toàn giải phóng.
Để tập trung các nguồn lực phát triển và thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 20/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về việc chia tách huyện Trà My thành huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.
Ngay sau khi chia tách, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mạnh dạn đề ra nhiều chủ trương, định hướng đổi mới, nhiệm vụ đột phá chiến lược để tranh thủ, tận dụng tối đa các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
– Bắc Trà My đã tập trung những giải pháp chủ yếu nào để phát triển kinh tế – xã hội ở một huyện miền núi trong thời gian qua?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, cùng với nhân dân xây dựng huyện Bắc Trà My ngày càng phát triển.
Về cơ cấu kinh tế, định hướng đúng mục tiêu, giảm dần cơ cấu về nông, lâm nghiệp, tăng dần về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; các đề án phát triển kinh tế được ban hành như đề án phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển cây Quế Trà My, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, cây ăn quả… Từ đó nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững.
Thời điểm mới thành lập vào năm 1949, Đảng bộ huyện Trà My có 67 đảng viên, sinh hoạt tại các Chi bộ Trà Lương, Trà Sơn, Trà Tăk Pui, Việt Bắc. Đến nay địa phương đã có 50 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.600 đảng viên. Bắc Trà My chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34,7%. Hạ tầng được đầu tư, văn hóa – xã hội có bước phát triển, các đề án về phát triển du dịch, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được chú trọng.
– Thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025 là một mục tiêu lớn của Bắc Trà My. Địa phương lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa bà?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: Trước hết, Bắc Trà My tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân bằng nhiều cách làm, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc.
Huyện cũng tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, nhất là khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Huyện tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu lớn, là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các nguồn lực được lồng ghép, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng. Huyện cũng kêu gọi, thúc đẩy kinh doanh thương mại, dịch vụ, khởi nghiệp sáng tạo và thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện nhằm giải quyết tối đa nguồn lực lao động tại địa phương.
– Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bac-tra-my-tan-dung-moi-nguon-luc-de-phat-trien-3142909.html