Nỗ lực của địa phương
Căn nhà của bà Hồ Thị Hiệp (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đang từng bước hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong vài tuần tới. Bà chia sẻ, nhà cũ dột nát nhiều năm khiến hai vợ chồng luôn sống trong tình trạng lo lắng khi đến mùa mưa bão.
Vất vả làm rẫy thuê quanh năm, nhưng chỉ đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng bà chưa dám nghĩ đến việc xây nhà mới. Rất may, nhận được nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương là 60 triệu đồng, gia đình bà vay mượn thêm 55 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố hơn.
“Không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi không biết khi nào mới có thể xây dựng được căn nhà như vậy. Có nhà mới, hai vợ chồng sẽ siêng năng làm ăn, phát triển kinh tế để sớm trả các khoản nợ và thoát nghèo” – bà Hiệp nói.
Cách nhà bà Hiệp không xa, căn nhà của bà Hồ Thị Lan cũng vừa hoàn thiện cách đây không lâu. Bà Lan chia sẻ, căn nhà cũ xuống cấp lắm rồi, nếu không kịp thời xây mới thì chẳng bao lâu nữa sẽ sập đổ.
Cảnh đơn thân, phải nuôi 2 con nhỏ nên có được căn nhà mới như thế này là mơ ước từ lâu của gia đình. Căn nhà được xây dựng từ số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng của Nhà nước, dù không rộng rãi, nhưng cũng đủ an toàn để gia đình tránh trú trong mùa mưa bão.
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, số nhà tạm thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công cách mạng trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2023 – 2025 đã được phê duyệt là 1.130 hộ, trong đó xây mới 729 nhà, sửa chữa 401 nhà.
UBND huyện đã và đang hỗ trợ xóa 460 nhà tạm từ nguồn kinh phí Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Còn lại từ nay đến hết năm 2025, sẽ có 670 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 35 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2024, UBND huyện sẽ hỗ trợ thêm 241 nhà từ nguồn vốn đề nghị điều chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 111 của Quốc hội.
Cần “rõ hộ – rõ chính sách”
Ông Nguyễn Thanh Trang – Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết, trên địa bàn xã còn 20 nhà tạm, song những hộ này đều thoát nghèo, cận nghèo vào năm 2023 nên không thuộc diện được hỗ trợ. Đây là vấn đề nan giải của địa phương, cần chính quyền các cấp ban hành cơ chế hỗ trợ hoặc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ địa phương.
Theo ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, trường hợp được hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số nên nguồn kinh phí đối ứng của gia đình để xây dựng nhà rất khó khăn.
Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ của các chương trình còn hạn hẹp, nguồn vật tư, vật liệu khan hiếm và giá thành cao nên khó đảm bảo để xây dựng nhà với quy mô kiên cố, hạn sử dụng lâu dài, nhất là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, động đất kích thích.
Qua rà soát, có nhiều căn nhà hỗ trợ từ các chương trình 167, 134, 135 trải qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, song lại không được tiếp tục hỗ trợ trong chương trình này (theo tiêu chí tại khoản 3, điều 3 của Thông tư số 01 ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).
“Hiện nay, qua rà soát số lượng nhà tạm thuộc hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ tăng lên so với số đã được phê duyệt là 310 nhà, trong đó xây mới 275 nhà, sửa chữa 35 nhà.
UBND huyện đã phê duyệt danh sách bổ sung và đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh bổ sung, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện.
Đồng thời, đề nghị bổ sung kinh phí cấp bù cho số nhà thực hiện năm 2024 là 243 nhà và dự kiến bổ sung năm 2024 theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh là 241 nhà” – ông Vũ đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ với khó khăn của huyện Bắc Trà My, đồng thời yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, xem xóa nhà tạm là nhiệm vụ trọng tâm để nỗ lực thực hiện.
Địa phương cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cách vận động nguồn lực, triển khai thực hiện và huy động sự tham gia của đối tượng trực tiếp được thụ hưởng chính sách.
Nhiệm vụ cấp thiết là Bắc Trà My phải nắm chắc số liệu, xác định rõ trường hợp nào thực sự là nhà tạm. Hộ nào có nhu cầu trước thì ưu tiên nguồn lực thực hiện trước. Người đề xuất danh sách ở khu dân cư phải công khai, minh bạch, rõ đối tượng, đúng chính sách.
Chủ động xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực theo từng chương trình, đảm bảo tính rõ ràng, chi tiết đến từng hộ để dễ dàng kiểm đếm, rà soát và giải quyết triệt để, với tinh thần “rõ hộ – rõ chính sách”.
Ngoài ra phải huy động sự tham gia của Mặt trận, đoàn thể và cộng đồng, nhất là tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện, lực lượng quân sự địa phương, cộng động dân cư tham gia hỗ trợ để tiết kiệm chi phí cho người dân.
“Mục tiêu là không để người dân sống trong căn nhà tạm, dột nát, kể cả trường hợp nhà ở của người dân được hưởng theo các chương trình trước đó nhưng đã xuống cấp. Nếu Trung ương không quy định việc này thì tỉnh sẽ tính toán phương án triển khai, đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết.
Tất nhiên, chương trình xóa nhà tạm này sẽ không dừng lại ở năm 2025, mà sẽ liên tục triển khai, nhất là với các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bac-tra-my-diem-sang-xoa-nha-tam-3140257.html