“Tết nửa năm”, với các món ăn đặc biệt trong mâm cúng, đều mang ý nghĩa cầu mong bình an, trừ khử bệnh tật trong gia đạo.
Say… cơm rượu
Đoan ngọ nhằm mùng 5 tháng 5 âm lịch, hay được người Việt gọi là Tết diệt sâu bọ. Chắc bởi những ngày giữa năm ẩm ương trong cái tiết nắng mưa bất chợt. Thời tiết dễ làm người khục khặc ho, bệnh vặt và cây cối bị sâu bọ quấy phá.
Thành ra ở quê, đúng mùng 5 tháng 5, tầm 12 giờ trưa ngay cái khắc chính Ngọ, mọi người thường ra ngoài sân, súc miệng ba lần cho sạch sâu bọ, uống một chén cơm rượu cho sâu bọ say, rồi ăn một cái bánh tro để diệt sâu bọ. Người ta tin rằng, những thứ này không chỉ xua đuổi sâu bọ trên cây, mà còn diệt trừ bệnh tật trong người.
Tùy mỗi nơi mà lại có phong tục cúng khác nhau. Nếu miền Bắc thường cúng chay với bánh gio cùng các loại trái cây như mận, vải; thì miền Trung, miền Nam lại cúng mặn với các món thịt vịt, chè kê… Nhưng miền nào cũng đều có món cơm rượu.
Nếp nấu cơm rượu là loại nếp lứt hảo hạng, được chọn kỹ càng. Đem nếp giã một lần vừa đủ rơi vỏ thóc, còn giữ lại lớp bọc vàng đục của cám, mẹ dùng nó để nấu xôi rượu.
Xôi rượu được hấp hai lần. Một lần cho vừa chín tới, được mẹ nhắc xuống cái rế để nguội. Vừa bớt nóng, mẹ đổ thêm nước lạnh vào chõ xôi, đem lên bếp hấp lần hai.
Khi đủ độ chín, mẹ đem xôi bới ra cái nia to, chờ nguội hẳn mới đơm vào rổ. Cứ lần lượt một lớp xôi rượu, một lớp men. Xong xuôi, mẹ rửa sạch một tàu lá chuối ngoài vườn, phủ kín mớ cơm rượu vừa ủ.
Nước cơm rượu thơm thoảng vị nếp, tròng trành thêm cái hương cỏ cây đồng nội, hậu ngọt dễ uống chứ không hắc nồng như mấy thứ rượu khác. Thành ra, trẻ con người già cũng đều ưa thích. Vừa nhắm hớp rượu nếp, vừa nhai nhân nhẩn cái cơm rượu ăn kèm, đã đủ say lòng người.
Bánh ú, thịt vịt, chè kê
Ăn mùng 5 thì không thể thiếu bánh ú tro. Đây là loại bánh truyền thống trong ngày Đoan ngọ ở miền Trung, miền Nam, với phiên bản khác ở miền Bắc gọi là bánh gio.
Bánh có hình tam giác, được gói bằng lá kè hoặc lá dong. Mớ bánh tro vừa nấu chín được treo lủng lẳng thành chùm trên mấy quầy hàng, trông núng nính như quả khế đầu cành vừa chín tới. Bánh có vị lạt nên thường được ăn kèm cùng mật mía đặc sệt hoặc đường.
Màu bánh vàng ươm như hổ phách, thoảng chút hương vôi, ngai ngái vị đồng nội của cây cỏ, ăn dính dính mềm mềm. Thành ra, bánh tro chẳng phải thức ăn hợp sự vội vã. Nó rèn mình cái nết ăn chậm nhai kỹ, để giữ bụng no lâu khi mùa màng vẫn chưa tới kỳ thu hoạch.
Mâm cúng mùng 5 cũng chẳng thể thiếu thịt vịt, bởi nó có tính mát, hỗ trợ cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể giữa cái tiết nắng mưa ẩm ương. Vịt lúc này cũng vào mùa nên béo ngậy, thịt ngon và không có mùi hôi, trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Những người già nấu thêm chè kê cho mâm cúng. Chỉ từ đậu xanh cà vỏ, hạt kê, đường cát, va-ni, món chè cân bằng mâm cỗ bởi vị ngọt dẻo vừa vặn. Ăn chung với bánh tráng mè nướng, chính sự kết hợp nhuần nhuyễn của cái cứng giòn bánh tráng, cái mềm mại của chè, nhấn nhá thêm vị gừng cay đậm đà.
Theo các nhà nghiên cứu, y dược dân gian sử dụng chủ yếu là thực vật. Thành ra vào tết Đoan ngọ, người ta cũng chú trọng trái cây trong mâm cúng, như mận, vải, những loại hoa quả có vị chua, chát để diệt sâu bọ.
Ở nhiều gia đình, vải và mận gần như là loại quả bắt buộc phải có, bởi nó đặc trưng cho tiết Hạ chí. Không những vậy, họ sử dụng các loại hoa quả này còn với mong cầu hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở. Vừa cầu nguyện mùa màng bội thu, vừa ước ao gia đình ngày càng phát triển, con đàn cháu đống.
Mâm cúng nhỏ đong trong mình ước vọng về sự bình an, đoàn tụ. Những thức ăn ngày bé mà bọn trẻ luôn trông đợi nay đã trở thành một loại nghi thức. Thời gian dần bào đi cái háo hức thưở nhỏ, nhưng đâu đó trong một nẻo sơ tâm, chúng ta vẫn luôn chờ mong điều tốt đẹp ở nửa năm sắp tới.