Không gây hại
Giữa một thành phố mà thức ngon vật lạ có thể thưởng thức từ sáng tới đêm như Sài Gòn, giữ cho mình cơ thể cân đối và tỉnh táo trong việc nạp thức ăn quả không dễ dàng. Làm sao để ăn vừa ngon vừa khỏe vừa lành là điều mà tôi luôn tìm kiếm.
Có nhiều cách ăn chay: thực dưỡng, thuần chay, ăn rau củ và trứng sữa, kể cả đồ chay giả mặn. Giữa những tranh cãi không hồi kết về các phương pháp chay, tôi thiển nghĩ rằng: Ăn kiểu gì cũng được, miễn sao cái mình nạp vào không gây hại cho mình và cũng không gây hại cho muôn loài, môi trường chung quanh.
Không gây hại đã là bước đầu tiên tốt đẹp trong hành trình hướng thiện, hướng thượng, chứ chưa cần bạn phải hành động điều gì lớn lao, vĩ đại.
Tôi thích nấu ăn và thích nấu những bữa chay. Không suy tính gì nhiều về thực đơn, cứ bước ra chợ, siêu thị, thấy hôm nay người ta bán cái gì mà mình thích ăn thì mua cái đó về nấu. Đó là cách giúp bữa ăn luôn tươi ngon mà lại không lãng phí nguồn hàng hiện có.
Hôm nay chưa nấu được thì để dành bữa sau. Điều đó khiến ta vừa linh hoạt vừa kiên nhẫn trong mọi trường hợp bất ngờ. Tôi biết có nhiều người (và tôi trước đây cũng vậy) có cái nết “xấu ăn”: đã muốn là phải ăn bằng được, thèm bữa nào phải ăn ngay lúc đó. Chuyện ăn theo thuở tuy dễ mà khó, tuy khó mà dễ là vậy.
Nếu có một giải đấu về chuyện ăn thực vật, chắc người Việt mình giành giải vô địch! Nói không hề ngoa vì chế độ ăn thường ngày đã vốn nhiều đồ tươi, chế biến đơn giản và thưởng thức ngay. Riêng với ăn chay, chỉ từ đậu khuôn, nấm, rau, củ mà chế ra được không biết bao nhiêu món ngon bắt mắt, bổ dưỡng.
Tôi có thú vui là thích làm những món cầu kỳ, tự thử thách mình xem năng lực ra sao. Món càng khó càng kích thích sự hăm hở của mình.
Ăn món ngon nghiêng mình nhớ đất quê
Món tủ tôi hay nấu là mỳ Quảng chay. Món ăn tưởng quen thuộc, dễ nấu mà cũng công phu, lỉnh kỉnh đủ công đoạn.
Phần nước nhưn là thế giới của các loại rau củ: bí đỏ, khoai tây, cà rốt, đậu trắng, phù chúc, đậu chiên miếng dài (làm thịt chay), đậu vắt nước vo tròn trộn cùng nấm mèo (làm trứng cút chay). Tất cả nguyên liệu xào lên cùng chút ngũ vị hương cho thơm rồi cho nước vào nấu sôi, nêm nếm vừa ăn là được.
Chưa kể rau ăn kèm cũng phải đủ mặt “anh tài” xứ Quảng như bắp chuối, rau húng, xà lách, cải con, diếp cá, rau quế, hẹ sẻ… Sợi mỳ trắng muốt, dầu phụng phi poa-rô thơm lừng, bánh tráng giòn rụm, đậu phụng quê béo bùi và mấy cục ram chay nhai càng vui tai.
Một thứ gia vị nặng mùi nhưng nhất quyết không thể thiếu là chao, mà phải là chao thúi mới đúng điệu. Bởi chao càng thúi lại càng béo, càng kích thích vị giác. Dích một miếng trộn đều vào tô mỳ, cắn thêm miếng ớt xanh, trong khoang miệng lúc này là bản tổng phổ rộn ràng giai điệu của vị giác: mặn, ngọt, cay, the, bùi, chát. Có lẽ, nếu cần một biểu hiện của hạnh phúc thì lúc này tôi thực sự hạnh phúc với tô mỳ Quảng chay! Ăn miếng ngon nghiêng mình nhớ đất quê!
Càng ngày, tôi thấy mình ăn càng dễ chịu hơn. Không phải là hạ thấp chất lượng thức để ăn mà dễ đón nhận sự ăn tùy lúc, tùy thời. Một chén cơm trắng rưới xì dầu ớt cũng ngon lành như một mâm chay thịnh soạn.
Tôi thấy tâm thế mình ăn như thế nào quan trọng hơn là ăn cái gì. Đã thành thói quen, mười mấy năm nay khi tôi chính thức quy y và có tìm hiểu về đạo Phật, trước mỗi đũa cơm tôi luôn đặt thức ăn trên bàn đối diện mình và cầu nguyện. Có khi thành tiếng, có khi im lặng, dù một mình hay giữa quán xá đông người.
Các thầy dạy rằng: đó là cách rải tâm từ. Mỗi muỗng cơm, mỗi gắp rau cho vào miệng, nhai thật chậm và kỹ, chúng ta sẽ thấy được giọt mồ hôi của người nông dân, từng tia nắng, hạt mưa, cơn gió của đất trời và đôi tay vén khéo của người làm bếp. Tôi thấm thía rằng: sự sống của mình không chỉ riêng ta hít thở mà còn là sự góp sức của tạo vật và con người chung quanh, nên càng trân quý thức ăn và trân quý cả cơ thể này.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 4 thứ cần học, ông cha ta lại xếp “Học ăn” đầu tiên. Có ý thức về cái cho vào miệng thì mới sáng suốt để tạo thành cái đưa ra khỏi miệng “Học nói”.
Nhất là khi ăn chay, ta đã tự cho mình cơ hội được thanh lọc cơ thể cả thân và tâm, ôm ấp đời sống với trọn vẹn yêu thương và chia sớt. Khi ta thực sự chánh niệm trong từng bữa ăn, mỗi hạt cơm, cọng rau là sự mầu nhiệm mà tạo hóa đã ban cho nhân loại.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/an-chay-trong-y-niem-song-gan-thien-nhien-3145470.html