Đó là những gì chúng tôi chứng kiến tại liên hoan các câu lạc bộ trình diễn trống chiêng và múa tâng tung, da dá truyền thống năm 2024 được UBND huyện Tây Giang tổ chức vừa qua.
Liên hoan quy tụ hàng trăm nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ cộng đồng các thôn, xã trên địa bàn huyện tham gia trình diễn, tái hiện các nghi thức lễ hội khai năm tạ ơn rừng, mừng gươl mới, lúa mới… trong cộng đồng Cơ Tu.
Cùng nghệ nhân so tài
Xuất hiện với trang phục vỏ cây truyền thống, đoàn nghệ nhân xã Tr’Hy mang đến liên hoan tiết mục trình diễn tái hiện không gian ngày hội mừng gươl mới đầy ấn tượng và độc đáo, xoay quanh lễ báo cáo ông bà về hoạt động chung của cộng đồng, mời họp dân làng cho đến nghi thức cúng tế thần linh và trình diễn múa tâng tung, da dá kết hợp trống chiêng…
Đứng trước trụ cây nêu, già làng Cơlâu Blao – nghệ nhân tiêu biểu của xã Tr’Hy thổi vang tù và, mời gọi dân làng chung vui ngày hội.
Lời của già làng vừa dứt, hàng chục nam nữ Cơ Tu rộn ràng theo vũ điệu tâng tung, da dá múa quanh trụ cây nêu, tái hiện đầy đủ hoạt cảnh mừng gươl mới.
Để góp mặt tại liên hoan, già Cơlâu Blao nói, các nghệ nhân phải mất nhiều ngày tập luyện, xem đó là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và cùng góp sức cho thành công của ngày hội.
“Để không phải trùng lặp về trang phục và nghi thức trình diễn, chúng tôi hội ý mang đến liên hoan những bộ trang phục vỏ cây truyền thống kết hợp tái hiện nghi thức mừng gươl mới nguyên bản của người Cơ Tu.
Đây được xem là cuộc so tài giữa các nghệ nhân trên địa bàn huyện, vì thế phải làm hết sức để mang đến những gì tốt đẹp và truyền thống nhất.
Thông qua liên hoan này, chúng tôi muốn giáo dục và tạo cơ hội trao truyền nghệ thuật trống chiêng, các giá trị âm nhạc, múa tâng tung, da dá đến với cộng đồng, nhất là các thế hệ trong việc chung sức bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc mình” – già Cơlâu Blao chia sẻ.
Với sự trình diễn lôi cuốn và đầy thú vị, tiết mục tái hiện nghi thức mừng gươl mới của đoàn nghệ nhân xã Tr’Hy được ban giám khảo trao giải A chung cuộc; đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nghệ nhân Cơ Tu trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt già Cơlâu Blao.
Theo ông Pơloong Plênh – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, liên hoan không chỉ là cuộc trình diễn, mà đó còn là sự gắn kết giữa các thế hệ, giúp văn hóa Cơ Tu ngày càng được tiếp nối, trao truyền.
Góp sức bảo tồn văn hóa
Ông Bríu Hùng – Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho hay, xuyên suốt cuộc trình diễn tại liên hoan, các nghệ nhân được chọn lựa nội dung trích đoạn các nghi thức lễ hội truyền thống, từ mừng gươl mới, khai năm tạ ơn rừng cho đến lễ ăn lúa mới, mừng ngày mùa…
Trong đó, khuyến khích việc khai thác góc cạnh của lễ hội nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch, thúc đẩy bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng thu nhập cho cộng đồng địa phương.
“Tại liên hoan lần này, các nghệ nhân không chỉ chủ công góp sức dàn dựng tái hiện các nghi thức cúng thần linh, mà còn trực tiếp hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp múa tâng tung, da dá một cách điêu luyện.
Tất cả như một dịp thị phạm để người trẻ có cơ hội thưởng thức, tìm hiểu và nâng cao ý thức về trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống ngay tại thôn bản, trường học, cơ quan đơn vị mình” – ông Bríu Hùng nói.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu, hằng năm địa phương đều xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc liên hoan, lễ hội truyền thống cho cộng đồng nhằm tạo không gian sinh hoạt, trình diễn nghệ thuật trống chiêng và múa tâng tung, da dá truyền thống.
Qua đó, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lâu đời của người Cơ Tu trên địa bàn huyện, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương…
Theo ông Arất Blúi, người Cơ Tu vốn có một kho tàng văn hóa đa dạng và mang nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, từ nghệ thuật trống chiêng, múa tâng tung, da dá cho đến các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống.
Những năm qua, mặc dù công tác bảo tồn được nỗ lực triển khai nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mai một. Liên hoan là dịp để khơi gợi các giá trị nghệ thuật tiêu biểu Cơ Tu đến gần hơn với cộng đồng, người trẻ.
Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật truyền thống của người Cơ Tu ở các cơ quan, đơn vị, các trường học và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch xanh của huyện trong những năm tới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/am-vang-chieng-trong-co-tu-3139185.html