Thông điệp từ giai điệu
Với người miền núi, âm nhạc là môn nghệ thuật kết hợp âm thanh nhằm diễn tả tình cảm, tâm tư nguyện vọng ý chí của con người. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong mỗi dân tộc, tộc người…
Đặc trưng của mỗi dân tộc thông qua các làn điệu dân ca như Ting Ting (Xê Đăng); hát Cheo (Ca Dong); Xơ ru, A zới, Ca lu (Cor)… là thông điệp, thông báo giữa làng này và làng kia có lễ hội mời khách đến dự động viên tinh thần nhau sau những ngày lao động mệt nhọc.
Dương Trinh là nhạc sĩ người Co. Những sáng tác của ông đều mang âm hưởng miền núi Trà My, nơi đồng bào Co, Ca Dong, Xơ Đăng sinh sống. Dương Trinh đặc biệt được biết đến với album “Hồn núi” – tuyển tập 13 ca khúc ông viết bằng hơi thở, âm điệu của đồng bào mình. Album này gặt hái được nhiều thành công và giải thưởng, đặc biệt được nhiều thế hệ trẻ đón nhận và hưởng ứng. Cùng với sáng tác, Dương Trinh là giọng ca đại ngàn đặc biệt với âm vực trầm ấm, mạnh mẽ, hào sảng… (X.H)
Với người Co, người Xê Đăng, cồng chiêng là thước đo phẩm chất của gia đình và dòng họ nên được gìn giữ rất cẩn trọng. Cồng chiêng, hay còn gọi là chéc tok, chéc tup, chỉ dùng trong những dịp lễ hội, có tính chất thiêng liêng.
Còn đàn đá hay trống đất là những nhạc cụ thường được dùng khi đi lên rẫy, cảnh báo con thú hay thậm chí là để đáp trả những cơn thịnh nộ của đất trời. Với những phụ nữ Co ngày xưa, đêm đêm, họ thường trải lòng mình với tiếng kèn a máp, mang những nỗi niềm, những vất vả của ban ngày ra để “kể” với bếp lửa, với rừng núi..
Âm nhạc miền núi dân tộc thiểu số là một kho tàng rất phong phú, đa dạng thông qua các nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội bài cúng… Nơi tôi sinh ra từ hang đá, bên bếp lửa hồng ấm cúng, từ lời ru của mẹ và lời kể khan của cha, từ dòng sông ngọn núi, dòng thác, tiếng chim ca… Tất cả những yếu tố trên đã thôi thúc và tạo cảm hứng để tôi càng yêu thêm núi rừng nơi mình đã sinh ra.
Quảng bá văn hóa từ âm nhạc
Bản thân là nhạc sĩ người dân tộc thiểu số, tôi muốn âm nhạc sẽ góp phần mang văn hóa của đồng bào mình đến với người nghe. Từ đây, họ sẽ hiểu rõ hơn về bản chất văn hóa, nghệ thuật, đất nước con người của dân tộc mình.
Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, xu thế hội nhập cộng với sự phát triển các phương tiện công nghệ thông tin đại chúng, thanh thiếu niên miền núi quay lưng với âm nhạc truyền thống. Những người trẻ chạy theo âm nhạc thị trường, giải trí ngoại lai mà dần quên đi âm nhạc truyền thống của mình dẫn đến âm nhạc dân tộc dần mai một.
Thêm nữa, bao nhiêu điều hay ở trong bộ nhớ cũ kỹ của người già, họ mất, thì không có cơ hội tìm lại nữa. Họ lại không biết tiếng Kinh. Bao điều kỳ diệu, nguy lắm rồi, ai cũng nói mất văn hóa là mất hết, nhưng dự án văn hóa cho miền núi thì quá ít.
Tôi nghĩ, cần thiết phải tổ chức điền dã sưu tầm thông qua các nghệ nhân già yếu (bằng ghi chép và ghi âm). Các nhà văn hóa làng, thôn bản thành lập câu lạc bộ dân ca, mời nghệ nhân giảng dạy.
Hằng năm nên tổ chức nhiều hội thi hội diễn nghệ thuật cồng chiêng và âm nhạc dân tộc để phát hiện tài năng, bổ sung nguồn nhân lực trẻ, và nhân lực giảng dạy nhằm phục vụ công tác đào tạo và lưu giữ văn hóa dân tộc.
Chính quyền cần mạnh mẽ hơn trong việc đưa các làn điệu dân ca vào các ca khúc trong chương trình bậc học phổ thông cũng như tổ chức quảng bá trên đài truyền thanh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội về âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Du du o, o vic dhong lăp/O te nhim lý/Him vli đhé/Du du o/O man đi ây/ Đhô Him pốt dhac/ Rấp aireac rấp ca/ Xú a tú o xa/ Du du o.
Tam dịch: Ru ru em em ngủ cho ngoan/Em đừng khóc nữa/Để mẹ xuống suối/ Mò ốc bắt cua/ Về nấu em em ăn/ Ru ru em em ngủ cho ngoan”- Ru con (dân ca Co).
Nguồn: https://baoquangnam.vn/am-nhac-cua-nguoi-mien-nui-3142196.html