(QNO) – Chiều nay 15/11, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh – Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, đến cuối năm 2021, hồ sơ Thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp sổ đỏ lâm nghiệp của 9 huyện miền núi đã được UBND các huyện phê duyệt với tổng diện tích dự kiến đo đạc 97.286ha, tổng kinh phí thực hiện hơn 101 tỷ đồng. Qua đó làm cơ sở để thực hiện công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục.
Về công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đo đạc chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, kê khai, đăng ký, cấp sổ đỏ, đến cuối năm 2022, cả 9 huyện đã triển khai thực hiện. Tổng diện tích đã đo đạc tại 25/85 xã hơn 20.461ha, trong tổng số 97.286ha phải thực hiện (bằng 21%); đã cấp 7.125 sổ đỏ, trong tổng khối lượng kê khai đăng ký cấp sổ đỏ là 52.050 sổ, bằng 13,7% so với Thiết kế kỹ thuật – dự toán được phê duyệt.
Một số địa phương đã triển khai thực hiện công tác đo đạc cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, như Tây Giang hoàn thành 76,4% và Nông Sơn hoàn thành 59,9% khối lượng đo đạc, lập hồ sơ địa chính được duyệt. Riêng huyện Bắc Trà My đang thực hiện đo đạc bản đồ của 6/13 xã và đã cấp 628 sổ đỏ lâm nghiệp cho người dân.
Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh nêu ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 07. Trong đó, công tác theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết chưa được chú trọng đúng mức. Công tác tham mưu, hướng dẫn thực hiện của cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh chưa đầy đủ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến một số địa phương triển khai thực hiện đo đạc (đất nương rẫy, đất trồng keo, câu lâu năm… nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng) ngoài phạm vi của nghị quyết.
Trong khi đó, công tác lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học, nhất là trong công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn cấp huyện với đơn vị tư vấn và chính quyền cấp cơ sở. Cá biệt có địa phương quá chậm trễ trong chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 07.
Tiếp thu ý kiến thảo luận, kiến nghị của các ngành, thành viên đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh giao tổ thư ký nghiên cứu bổ sung hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 07. Trong đó, nêu địa phương làm tốt để biểu dương và chưa tốt để nhìn lại, rút kinh nghiệm thực hiện trong thời gian tới.
Báo cáo cũng cần phân tích rõ những hạn chế, khó khăn, chỉ rõ nguyên nhân do công tác chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt, hồ sơ 1/10.000 để lại, vướng mắc quy hoạch 3 loại rừng, chất lượng tư vấn, đơn giá thi công… Xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; việc phối hợp hướng dẫn thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát của HĐND cùng cấp…
Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh trong giai đoạn 2024 – 2026.