(QNO) – Tín dụng chính sách đã tiếp sức các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) như nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục đào tạo, môi trường… Đặc biệt, giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Ở xã NTM Phước Năng, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Phước Sơn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả và trồng rừng keo lá tràm. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đến nay gia đình bà Thúy đã có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
“Nhờ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phước Sơn mà tôi có điều kiện để phát triển kinh tế hiệu quả. Gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, lo cho con cái học hành đàng hoàng và đã thoát nghèo” – bà Thúy nói.
Ông Trần Cao Kim – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn cho biết, dư nợ cho vay về NTM hiện nay là 85 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã góp phần duy trì và tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần cùng huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng NTM.
Trên cơ sở nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của UBND TP.Hội An về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 – 2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An đã phối hợp cùng 4 xã xây dựng NTM là Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim tập trung cho vay để hoàn thành các tiêu chí.
Đến ngày 30/9, tổng dư nợ 4 xã NTM đạt hơn 75,5 tỷ đồng với 1.777 hộ vay vốn ưu đãi. Nguồn vốn phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành các tiêu chí về nhà ở dân cư (dư nợ 6,4 tỷ đồng/17 hộ vay), tiêu chí về thu nhập, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí lao động có việc làm (dư nợ hơn 45,5 tỷ đồng với 1.021 hộ vay), tiêu chí giáo dục đào tạo (dư nợ hơn 6 tỷ đồng cho 147 hộ vay chương trình học sinh, sinh viên, tiêu chí môi trường (dư nợ hơn 17 tỷ đồng/hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường)…
Ông Lê Hùng Lam – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, thời gian qua, chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức chính trị – xã hội tập trung nguồn lực triển khai cho vay, thúc đẩy xây dựng NTM.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, qua đó đã góp phần phục vụ kịp thời chương trình xây dựng NTM toàn tỉnh. Người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo công ăn việc làm ổn định còn góp phần ổn định an sinh xã hội ở nông thôn, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thêm lực đẩy kinh tế nông thôn
Nguồn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng được hoàn thiện kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo. Môi trường, cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp, các giá trị văn hóa được gìn giữ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Khoảng cách phát triển giữa kinh tế nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp. Đặc biệt, giúp cho nhiều người nghèo, người yếu thế ở các xã NTM vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Để tín dụng chính sách ngày càng phát huy vai trò bệ đỡ thúc đẩy kinh tế nông thôn, ông Lê Hùng Lam yêu cầu các đơn vị trong toàn chi nhánh tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hội, đoàn thể tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định kinh tế – xã hội các xã NTM, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
“Kim chỉ nam để tín dụng chính sách tạo thêm nguồn lực cho xây dựng NTM là triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngân hàng chính sách tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án để triển khai thực hiện tốt hơn nữa xây dựng NTM thời gian đến” – ông Lam nhấn mạnh.
Tổng dư nợ cho vay các xã NTM đến ngày 30/9 là 5.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,1%/tổng dư nợ toàn tỉnh, tăng 1.129 tỷ đồng so với năm 2021. Đến nay toàn tỉnh có 17/18 đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (94,4%), 123/193 xã đạt chuẩn NTM (63,73%) 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (5,18%), 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.