Cuối cùng, cô bạn từ Đơn Dương (Lâm Đồng) xuống chơi đã mang cho tôi một cây canh-ki-na (cây ô-môi) nhỏ và vài trái dài ngoẵng để ăn. Chắc phải hơn hai chục năm, tôi mới được nếm lại mùi vị từng gắn bó với tuổi thơ cùng những đứa trẻ trong xóm đi nhặt trộm canh-ki-na nhà bà Bảy.
Đó là cây canh-ki-na cuối cùng của xóm. Mấy chục năm trước, khi chúng tôi còn bé xíu thì cây đã rất già. Thân cây to vừa một người ôm, tán rộng nhưng nhiều cành đã chết khô, chỉ còn hai nhánh còn tươi xanh trơ trụi vươn lên giữa trời.
Những nhành cây khô khốc tuy chẳng còn cái lá nào, vẫn cố bám trụ vào cành phơi mình trong nắng gió. Bà Bảy cũng già như cây, vẫn hay giả đò bị lãng tai, lơ đi khi mỗi buổi trưa đứng bóng, để đám trẻ con lò dò vào nhặt trộm quả canh-ki-na đã rụng dưới đất. Đám trẻ khoan khoái đem ra bờ suối để chia nhau ăn.
Bờ suối có nhiều đá. Quả canh-ki-na tròn, thuôn dài, vỏ đen xì và rất cứng, phải lấy đá suối đập thì vỏ mới vỡ ra, để lộ những hạt xếp thành từng lớp vảy đều đặn. Phần ăn được chính là thịt quả như lớp “cao” màu đen bao quanh hạt và vảy. Cao rất dính, đặc quánh.
Chúng tôi cho cả vảy vào miệng mà mút, nhấm nháp, đến khi lớp vảy trắng bóc, trơ hạt mới nhả ra. Có đứa háu ăn, muốn ăn nhanh thì cứ đưa lên miệng, lấy răng cửa mà cào lấy cào để lớp cao đen đặc đó.
Vị của “cao” rất đặc biệt, dẻo quạnh, ngòn ngọt, chua nhẹ, hơi chan chát. Hương thơm nồng nồng, ngây ngây như thuốc bắc. Cây canh-ki-na nhà bà Bảy vào mùa đơm hoa cũng đẹp nao lòng. Lúc ấy, cây rụng hết lá, chỉ còn lại những chùm hoa màu hồng phấn và vài chiếc lộc non xanh biếc. Cánh hoa rơi rụng khi một cơn gió nhẹ lướt qua, quanh gốc cây là một màu phớt hồng mơ mộng.
Một lần, lên Đơn Dương chơi, nghe các cụ kể lại, cả vùng Lâm Đồng xưa kia được phủ bởi những đồn điền canh-ki-na bạt ngàn. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Hà Lan độc quyền thuốc ký ninh (quinine) chữa bệnh sốt rét. Người Pháp đã tìm cách tự chủ nguồn thuốc bằng việc điều chế từ nguyên liệu được chiết xuất trong vỏ cây canh-ki-na. Họ nhân giống cây canh-ki-na ở các nước thuộc địa.
Tại Việt Nam, người Pháp cho trồng thử nghiệm cây canh-ki-na tại vùng Lang Hanh (Đơn Dương, Lâm Đồng). Nhận ra cây sinh trưởng và phát triển rất tốt ở khu vực đất bazan và khí hậu mát mẻ, người Pháp đã xây dựng “trạm thử nghiệm cây canh-ki-na” ở vùng này. Những ngọn đồi ở Đơn Dương, Langbian, Đà Lạt, Di Linh… nhanh chóng biến thành những đồn điền canh-ki-na nối tiếp nhau bất tận.
Vùng đất Lâm Đồng khi ấy có cả trăm héc ta canh-ki-na, cung cấp nguyên liệu điều chế thuốc sốt rét cho toàn Đông Dương trong suốt mấy chục năm trời. Vào những mùa hoa nở, cả vùng cao nguyên Lâm Đồng được phủ một màu hồng phấn rực rỡ, đẹp chẳng thua kém những vườn hoa anh đào.
Về sau, cây dần bị đốn hạ để thay thế bằng các vườn cây ăn trái, cà phê và trà. Canh-ki-na còn sót lại rất ít và hầu như cây nào cũng già cỗi. Thỉnh thoảng hạt rụng xuống, mọc thành cây con, đơn độc lớn lên ở bìa làng hay nơi nào khuất vắng.
Nhà bạn tôi ở Đơn Dương – vùng đất ngày xưa chính là những đồn điền canh-ki-na rộng lớn, nhưng hiện giờ hiếm hoi mới tìm thấy một cây. Đám trẻ con cũng chẳng biết đó là cây gì.
Người lớn thỉnh thoảng hái trái chín về ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh. Nhiều người còn phát hiện ra hạt canh-ki-na khi ngâm nước nóng, tách bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài có thể nấu chè ăn rất ngon, béo bùi, deo dẻo, nhưng chỉ nên ăn ít vì cây vốn có độc tính.
Khi tôi gieo xuống đất cây canh-ki-na cô bạn đem tặng, nhiều người hàng xóm qua chơi cứ thắc mắc trồng thứ cây này để làm gì, bao giờ mới lớn và ai thu mua. Tôi cũng không tính toán được xa đến thế. Đôi khi, người ta trồng một cái cây chỉ vì tán lá xanh gợi nhớ vùng ký ức, vốn đã xa mờ.