Chọn tăng trưởng hợp lý, theo thực tiễn địa phương
Mục tiêu tăng trưởng “2 con số” được xem là phù hợp với thực tiễn địa phương. Và một khi đã lựa chọn thì đó là “mệnh lệnh” phải thực hiện cho bằng được. Địa phương sẽ phải huy động tổng lực các nguồn lực để đạt đến mức tối đa các kế hoạch phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tùy theo chức phận, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, tăng tốc, bứt phá xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.
Kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thông thoáng thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, thu hút các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (đầu tư sân bay, cảng biển, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).
“Chiến dịch, chiến lược” tăng trưởng này đã có sự khác biệt. Các động lực tăng trưởng truyền thống sẽ được hoàn thiện, làm mới. Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Khu vực này sẽ dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội.
Các khó khăn, vướng mắc từng dự án sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Gia tăng tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, dự án liên vùng, liên tỉnh. Sẽ có thêm nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng.
Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu. Phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả. Gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
Các động lực tăng trưởng mới, phù hợp với thực tiễn địa phương, bao gồm: các đề án, chương trình có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo kết luận của Thủ tướng, Quốc hội sẽ được đặt lên hàng đầu. Ngành công nghiệp lợi thế, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sẽ hướng đến nâng cao năng suất, sức cạnh tranh.
Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản. Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng.
Rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực. Thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu thông qua liên kết doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân và FDI).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, chính quyền sẽ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới. Gia tăng đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị thông qua phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính…
Chờ kết quả việc thực thi
Dư địa phát triển kinh tế địa phương vẫn còn rất lớn. Khá nhiều điểm tựa, động lực mang đến tăng trưởng.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều điểm tựa. Tiêu dùng gia tăng. Doanh nghiệp tìm được đơn hàng, có thể tái gia nhập thị trường. Giải ngân sẽ không dừng mức thấp, giúp nền kinh tế hấp thụ vốn.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành chế biến, chế tạo có sự phục hồi rõ nét. Du lịch, dịch vụ sôi động. Nông – lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định, đảm bảo nguồn cung và góp phần ổn định kinh tế địa phương… Có thể sẽ phải đổi diện không ít thách thức, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội cho sự phục hồi và phát triển kinh tế địa phương.
Mục tiêu tăng trưởng chưa thể nhận diện chính xác, nhưng đủ cơ sở kỳ vọng khi nhiều yếu tố tích cực xuất hiện. Chỉ trong tháng 1/2025, số vốn đầu tư đã phân bổ đạt 87% (7.264 tỷ/8.312 tỷ đồng) đã được yêu cầu giải ngân đạt 100% tổng vốn đầu tư khi niên độ đầu tư kết thúc.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước 2.526 tỷ đồng, đạt 10% dự toán (25.000 tỷ đồng), tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 350 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 177,21 triệu USD, tăng 43,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 172,79 triệu USD, tăng 20,64%).
Thêm 258 doanh nghiệp gia nhập và tái giá nhập thị trường. Còn vốn từ ngân hàng sẽ không hạn chế, khi ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, không giới hạn.
Theo khảo sát 80 doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quý I/2025 so quý IV/2024 khá lạc quan khi có đến 27,5% dự báo khối lượng sản xuất tăng, 55% số doanh nghiệp dự báo ổn định và chỉ 17,5% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với tỷ lệ 29,1% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 26,1% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 100% doanh nghiệp dự báo ổn định sản xuất.
Khối lượng sản xuất gia tăng đều thuộc các ngành trọng điểm (sản xuất xe có động cơ, may trang phục dệt…). Số lượng doanh nghiệp dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng 25%, 52,6% số doanh nghiệp giữ mức ổn định, chỉ 22,4% số doanh nghiệp báo giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu có đến 21,2% số doanh nghiệp dự báo tăng, 57,7% giữ mức ổn định và 21,2% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu giảm.
Theo ông Lê Quý Đạt, các dự báo này cho thấy tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đã dần ổn định, chủ động được trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, gia tăng sản xuất…
Ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở KH&ĐT, cho hay tăng trưởng kinh tế Quảng Nam phụ thuộc vào giá trị đầu tư công, tăng trưởng công nghiệp, du lịch, nhất là Trường Hải. Trường Hải sẽ mở rộng đầu tư nhiều dự án. Nếu địa phương giải ngân tốt, đúng như yêu cầu, khai thông được các nguồn lực, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ dễ hoàn thành.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/kich-hoat-tang-truong-kinh-te-quang-nam-huong-den-muc-tieu-2-con-so-3148797.html