Vì sự phát triển của quê hương
Gần dân, sống trong thực tế ở cơ sở, những người làm công tác ở thôn, tổ dân phố đã và đang cống hiến thầm lặng vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp của cộng đồng, khu dân cư.
Phát huy sự đoàn kết của nhân dân
Tuyến đường dài gần 1km – nối quốc lộ (QL) 1 đi nhà bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 10, thôn Phú Nam, xã Tam Xuân II, Núi Thành) vừa mở rộng mặt bằng từ 4m lên 8m, đang chờ thảm bê tông nhựa. Có 45 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, cây cối làm mặt bằng.
Không bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng tuyến đường, song hộ bà Lê Thị Ái (tổ 9, thôn Phú Nam) tự nguyện nhường lại 80m2 đất ruộng cho hộ có ruộng liền kề bị ảnh hưởng đã hiến đất tạo mặt bằng. Với sự san sẻ này, hộ bị ảnh hưởng trực tiếp không phải chịu thiệt thòi quá nhiều do việc mở rộng tuyến đường.
Tinh thần tích cực hưởng ứng cuộc vận động hiến đất mở đường giao thông nông thôn của hộ bà Lê Thị Ái còn được ghi dấu qua sự hiện hữu của tuyến giao thông chính của thôn nằm bên hông nhà. Năm 2020, gia đình bà Lê Thị Ái tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng ngõ hiến cả trăm mét vuông đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng hoàn thành tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã.
Bà Ái chia sẻ, gia đình sẵn sàng hiến thêm đất nếu thôn, xã vận động mở rộng đường. Không có so đo, tính thiệt hơn, chỉ suy nghĩ mình đóng góp mở rộng đường cho con cháu đi lại an toàn, bộ mặt khu dân cư thêm khởi sắc.
“Các cán bộ thôn Phú Nam rất nhiệt tình với phong trào địa phương, vì cuộc sống người dân. Họ tích cực tuyên truyền, vận động, nhiệt huyết với từng nhiệm vụ ở cơ sở, mà mình cứ ích kỷ đứng ngoài cuộc thì làm sao được. Mình cũng phải “chạy theo”, vì sự phát triển của quê hương” – bà Ái nói.
Từ sự tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ thôn, người dân đồng thuận, chung tay đưa Phú Nam trở thành cánh chim đầu đàn của xã trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua của thôn Phú Nam luôn đứng tốp đầu của xã. Đời sống nhân dân từng bước phát triển, đạt thu nhập bình quân 62 triệu đồng người/năm.
Ông Bùi Văn Thúy – Bí thư Chi bộ thôn Phú Nam chia sẻ, hiểu được công việc cán bộ thôn đã và đang làm nên tinh thần người dân đồng thuận rất cao. Đây là chìa khóa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao cho địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Đồng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Xuân II cho biết, từ sự đồng thuận của người dân Phú Nam, địa phương đang tính toán mở rộng mặt bằng các tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến nhà ông Tuấn (dài 1,2km) và tuyến từ quốc lộ 1 đến nhà ông Châu Ngọc Diệp (dài 1,6 km) để bê tông nhựa (dự tính có gần 250 hộ bị ảnh hưởng). Từ đó, góp phần tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của xã.
Gương mẫu, đi đầu
Đã trở thành thông lệ, vào mỗi dịp cuối năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình tổ chức gặp mặt, tuyên dương bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Tại Thăng Bình, nhiều bí thư chi bộ kiêm nhiệm trưởng thôn, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt. Mặc dù địa bàn phụ trách rộng, số lượng đảng viên đông, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với phong trào địa phương, các đồng chí đã lãnh đạo chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng chi bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần quan trọng vào thành tích chung của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, tại buổi gặp mặt hôm nay, UBND tỉnh tặng Bằng khen 240 cán bộ thôn/tổ dân phố đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần vào thành tựu phát triển chung của tỉnh thời gian qua. “Đây là sự ghi nhận, tri ân đối với những cống hiến, vượt khó khăn của cán bộ thôn/tổ dân phố, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các khu dân cư cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương Quảng Nam. Củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào đối với những cống hiến, đóng góp của cán bộ thôn/tổ dân phố, cùng khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Nam phát triển ở giai đoạn mới” – đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động ở cơ sở của Chi bộ thôn Quý Hương (xã Bình Quý). Nhiệm vụ này được đưa vào nghị quyết của chi bộ để thực hiện trong nhiệm kỳ.
Ông Dương Trung Hòa – Bí thư Chi bộ thôn Quý Hương bày tỏ, khi người cán bộ thôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao thì mới làm công tác tuyên truyền hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Sự đi đầu của đảng viên, cán bộ thôn sẽ là động lực để toàn thôn cùng nỗ lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm, củng cố, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đánh giá, các đồng chí bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố là những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, về tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào những thành tích chung của địa phương.
Các đồng chí bí thư chi bộ luôn gần dân, tìm hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, buổi gặp mặt Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được tổ chức nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 và Kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3). Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố đối với kết quả phát triển chung của tỉnh. Đồng thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ thôn, tổ dân phố; từ đó kịp thời khuyến khích, động viên, phát huy được vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cho nhân dân tại cơ sở, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Buổi gặp mặt được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện.
Từ thực tế cơ sở, có thể thấy, ở các thôn, tổ dân phố, bí thư chi bộ không chỉ làm nhiệm vụ công tác đảng, chi bộ không chỉ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cho chủ trương, ra nghị quyết rồi xong. Để xây dựng chi bộ vững mạnh, tập thể chi bộ, từng đảng viên, nhất là đồng chí bí thư đã luôn nêu gương, xắn tay vào thực hiện công việc chung. Đặc biệt, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc, kiểm tra, giám sát… giúp người dân nắm hiểu vấn đề liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình – Lê Quang Hạt nói, từ sự tích cực của các đồng chí bí thư chi bộ, sự nêu gương của đảng viên đã tạo đồng thuận trong nhân dân. Cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện chấp hành và tham gia chủ động, tự giác, với ý thức trách nhiệm cao trong việc triển khai, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Tận tâm vì dân, trưởng thôn cứu cả làng thoát nạn sạt lở
“Chúng tôi đặt sự an toàn tính mạng và cuộc sống bình yên của người dân lên trên hết”. Lời chia sẻ của anh Hồ Văn Núi – Trưởng thôn 3 xã Trà Don, Nam Trà My cũng chính là phương châm làm việc, kịp thời di dời dân làng Tu Hon tránh nạn sạt lở.
Cuối tháng 11/2024, đỉnh núi Ngọc Mong (thôn 3, xã Trà Don, Nam Trà My) lại xảy ra tình trạng sạt lở, nguy cơ đá lăn đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người làng Tu Hon.
Trước đó, dự lường tình trạng nguy hiểm, Trưởng thôn Hồ Văn Núi (SN 1990) và thành viên Ban nhân dân thôn theo dõi sát những dấu hiệu bất thường. Qua đó kịp thời phát hiện, báo cáo tình hình đá lăn trên đỉnh núi Ngọc Mong để xã, huyện có biện pháp hỗ trợ. Cùng với đó, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ toàn bộ 18 hộ gia đình, với 73 nhân khẩu trong phạm vi ảnh hưởng sơ tán về ở tạm tại các làng lân cận. Đồng thời tìm vị trí phù hợp để xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ gia đình này.
Anh Hồ Văn Núi thông tin, toàn thôn có 207 hộ gia đình, với 927 nhân khẩu, chia làm 8 điểm dân cư nhỏ, sinh sống dọc theo sườn núi. Thông qua chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12 và 23 của HĐND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, có 159 hộ gia đình trong thôn di dời nhà ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị sạt lở do thiên tai. Bà con di dời đều phấn khởi, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Thôn cũng đã vận động hơn 300 lượt hộ gia đình chủ động sơ tán di dời để phòng chống thiên tai; chưa để xảy ra các sự cố đáng tiếc do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở đất đá vẫn luôn tiềm ẩn, đặc biệt trong thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng động đất kích thích. Làm trưởng thôn từ năm 2019, đã quá quen với sự thất thường của núi, trong các buổi họp thôn, họp khu dân cư, Hồ Văn Núi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chú ý kiểm tra địa bàn sinh sống. Qua đó sớm phát hiện các biến động lạ, như hiện tượng nứt, gãy, các mạch nước ngầm mới xuất hiện… để kịp thời báo cáo cấp trên, kiểm tra, có giải pháp xử lý.
“Tôi thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết từ các kênh thông tin chính thống của huyện, xã, nhất là khi bắt đầu mùa mưa bão để kịp thời đi từng khu, từng nhà thông báo cho bà con được biết để chủ động phòng tránh. Tại các điểm dân cư, tôi và Ban nhân dân thôn đã vận động lực lượng thanh niên tham gia các tổ xung kích sẵn sàng giúp bà con trong làng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra theo tinh thần 4 tại chỗ” – anh Núi chia sẻ.
Khi có tình huống nguy hiểm xảy ra, anh Núi và Ban nhân dân thôn 3 đã cùng với Mặt trận và các hội đoàn thể xã tổ chức đến từng nhà trấn an tinh thần cho bà con, đồng thời giải thích, vận động người dân sơ tán sang khu vực khác an toàn. Đối với các trường hợp có suy nghĩ chủ quan, xem thường nguy hiểm, người trưởng thôn trẻ kiên trì giải thích để gia đình đó hiểu, chấp hành.
Nhằm sớm ổn định cuộc sống cho các gia đình phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, Trưởng thôn Hồ Văn Núi cùng với Ban nhân dân thôn 3 phối hợp với các cơ quan chức năng tìm nơi định cư mới cho các hộ gia đình này. Tổ chức họp vận động, thuyết phục các gia đình khác trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng. “Qua vận động, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất; đặc biệt có một số hộ đã đồng ý di dời, làm lại nhà cửa để có quỹ đất cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng đến định cư sinh sống. Chúng tôi đặt sự an toàn tính mạng và cuộc sống bình yên của người dân lên trên hết” – anh Núi nói.
Khó nghỉ hưu vì… dân tín nhiệm
Sau nhiều năm làm trưởng thôn, năm 2018 ông Phan Văn Tám (SN 1952, ở thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) xin nghỉ nhưng người dân không… cho và tiếp tục tín nhiệm bầu ông đảm nhiệm cương vị này cho đến bây giờ.
Ở thôn Phù Sa, người dân thường gọi ông Phan Văn Tám với cái tên thân mật là Tám Hương. Ông Tám Hương được dân bầu giữ chức trưởng thôn từ năm 2009. Trước khi chuẩn bị tiến hành bầu chức vụ Trưởng thôn Phù Sa nhiệm kỳ 2018 – 2021, ông Tám Hương xin rút khỏi danh sách đề cử nhân sự vì cho rằng mình chưa phải là đảng viên, không đáp ứng yêu cầu cấp trên đặt ra.
Nghe tin ông Tám Hương sẽ nghỉ làm trưởng thôn trong nhiệm kỳ 2018 – 2021, phần lớn người dân thôn Phù Sa đề nghị cấp có thẩm quyền đưa ông vào danh sách đề cử nhân sự để tiến hành bầu chức vụ trưởng thôn. Kết quả, ông Tám Hương trúng cử. Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông lại được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
“Tính đến nay, tôi đã làm Trưởng thôn Phù Sa hơn 15 năm. Làm trưởng thôn như làm dâu trăm họ. Việc lớn, việc nhỏ gì người dân cũng kêu mình. Khi dân kêu thì mình phải kịp thời giải quyết, nếu việc đó là chính đáng, phù hợp” – ông Tám Hương chia sẻ.
Thôn Phù Sa có 371 hộ dân với tổng cộng 1.207 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, bình quân mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ 51ha lúa và canh tác 20ha hoa màu các loại.
Ông Võ Bản ở thôn Phù Sa nói: “Đa số người dân quê tôi đều rất tin, rất quý ông Tám Hương. Bao nhiêu năm nay giữ cương vị trưởng thôn, ông ấy luôn nhiệt tình, sâu sát dân. Ông ấy mà nghỉ làm trưởng thôn là dân hụt hẫng lắm…”.
Ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, nhiều năm nay ông Tám Hương rất sâu sát với việc sản xuất của người dân. Đáng chú ý là ông luôn quan tâm đến khâu làm đất, hướng dẫn việc gieo trồng, cung ứng nước tưới, phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng và thu hoạch nông sản.
“Không chỉ tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thời gian qua ông Tám Hương cũng rất nhiệt tình trong triển khai thực hiện mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là việc đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu như nhà sinh hoạt văn hóa, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, khu vui chơi giải trí…” – ông Phan Văn Thành nói.
Ông Tám Hương cho hay, những năm qua nhờ lĩnh vực kinh tế có bước chuyển biến mạnh mẽ nên đời sống người dân thôn Phù Sa cải thiện rõ nét. Theo thống kê, năm 2024 vừa qua thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 60,7 triệu đồng, tăng 12,7 triệu đồng so với năm 2019. Hiện nay, toàn thôn còn 10 hộ nghèo, đều thuộc diện bảo trợ xã hội.
Đáng ghi nhận, thôn Phù Sa đã 17 năm liền được công nhận Thôn văn hóa. Năm 2021, Phù Sa được UBND huyện Quế Sơn công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và đến nay vẫn tiếp tục duy trì đạt chuẩn 10/10 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 do Trung ương quy định.
Gương mẫu đi đầu, vì lợi ích nhân dân
Gần 16 năm giữ cương vị Trưởng thôn Trà Kiệu Tây (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), ông Lưu Văn Ân (SN 1966) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi với nhân dân và gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Dám nghĩ, dám làm
Những năm qua, ông Lưu Văn Ân luôn trăn trở suy nghĩ, tìm hiểu, học hỏi các mô hình hay, hiệu quả để tham mưu, đề xuất với Chi bộ thôn Trà Kiệu Tây ra nghị quyết lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược là phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Theo đó, ông Ân đi tiên phong vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Đáng chú ý, thực hiện triệt để phương châm “3 cùng” (cùng giống – cùng thời vụ – cùng phương thức canh tác), kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng trong gieo sạ giúp nông dân địa phương vừa tạo ra lượng giống sản xuất tại chỗ, vừa giảm chi phí đầu tư.
Đặc biệt, đẩy mạnh liên doanh liên kết với doanh nghiệp sản xuất 30ha lúa giống mỗi vụ, góp phần tăng năng suất cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ngoài ra, ông Ân vận động nhân dân cải tạo, xây dựng 25 mô hình vườn mẫu đi đôi với chỉnh trang vườn nhà, tường rào, cổng ngõ xanh – sạch – đẹp. Qua thống kê, bình quân hằng năm mỗi khu vườn mang lại giá trị kinh tế 30-40 triệu đồng.
“Muốn dân hiểu, dân tin, dân làm theo, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Mọi công việc phải thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, vì lợi ích của nhân dân”.
Trưởng thôn Trà Kiệu Tây – Lưu Văn Ân
Ông Lưu Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, nhờ lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh nên đời sống người dân thôn Trà Kiệu Tây cải thiện đáng kể. Theo thống kê, năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 56,4 triệu đồng, tăng 13 triệu đồng so với năm 2020; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ 1,1%, giảm 0,9% so với cách đây 4 năm.
Tạo đột phá hạ tầng
Ngay từ năm 2011, khi nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Lưu Văn Ân bàn bạc cùng cấp ủy, chi bộ ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương hiến đất và đóng góp ngày công lao động, tiền của để mở rộng hạ tầng giao thông.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, ông Ân đứng ra vận động 150 hộ dân hiến 9.250m2 đất ở và đất sản xuất để mở rộng các tuyến đường ngõ xóm và tuyến ĐH từ khu vực Gò Dỗi vào ga Trà Kiệu, đổ bê tông 2.381m với chiều rộng 3,5-5,5m, lắp đặt 9 biển báo giao thông, 25 biển chỉ dẫn tên đường trên các trục đường, 25 mốc lộ giới với tổng kinh phí đầu tư 1,62 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Phước Minh – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, ông Lưu Văn Ân cũng đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa mới, thông qua việc xây dựng hơn 500m đường hoa, huy động nguồn lực lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục – thể thao ở nhà văn hóa, tủ sách cộng đồng, xây dựng mô hình camera an ninh, thành lập tổ môi trường thu gom rác thải trong khu dân cư với 100% hộ đóng phí môi trường. Những năm gần đây, ông Ân còn cùng quân dân chính thôn vận động nhân dân và con em quê hương trùng tu một số di tích với tổng kinh phí 210 triệu đồng…
“Với những nỗ lực rất lớn của ông Lưu Văn Ân đã góp phần đưa Trà Kiệu Tây 23 năm liên tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Năm 2020, thôn được UBND huyện Duy Xuyên công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và đang tiếp tục duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí theo quy định” – ông Minh nói.
Lấy sự tín nhiệm của nhân dân làm động lực
Gần 20 năm công tác ở khối phố, ông Nguyễn Thanh Xuân – Bí thư Chi bộ kiêm Khối phố trưởng An Hà Nam (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) luôn xem sự tín nhiệm của nhân dân là động lực để hoàn thành tốt công việc.
ÔNG Nguyễn Thanh Xuân được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Khối phố Trưởng từ năm 2006, rồi Bí thư Chi bộ kiêm Khối phố Trưởng đến nay đã gần 3 nhiệm kỳ. Ông Xuân cho biết, nếu tính cả thời gian làm Bí thư Chi đoàn trước đó (trước năm 2002, khi phường An Phú chưa thành lập – PV), thời gian công tác ở cơ sở của ông đã hơn 20 năm.
Ông là một trong số ít những người công tác ở thôn, khối phố có bằng đại học chính quy. Trước đây, ông từng có 5 năm học ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Dầu khí.
Khối phố An Hà Nam có diện tích 225ha, gồm 4 tổ đoàn kết với 445 hộ, 2.200 nhân khẩu. Cùng với tốc độ đô thị hóa, thời gian qua, tại An Hà Nam có 3 khu dân cư được đầu tư xây dựng mới, với diện tích 69ha. Đây cũng là địa bàn khá đặc biệt, dân cư sinh sống bằng nhiều ngành nghề, vừa sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ và nhiều hộ là cán bộ, công chức, viên chức.
“Với địa bàn rộng và đặc thù như vậy nên trong quá trình công tác, bản thân tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng để chủ động nắm bắt tình hình nhân dân. Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật, truyền tải các chủ trương, chính sách đến với người dân theo từng nhóm hộ trong sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ, cán bộ công chức…” – ông Xuân chia sẻ.
Những năm trước, khi khối phố được cấp trên đầu tư các khu dân cư mới, áp lực về vận động dân chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, tái định cư đặt nặng lên vai ông Xuân và những người tham gia công tác ở khối phố. Tuy nhiên, nhờ sự sâu sát, khéo léo trong tuyên truyền, vận động, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cơ bản thuận lợi; đại bộ phận người dân chấp hành chủ trương, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Trong năm 2024, hưởng ứng phong trào Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, ông Xuân cùng tập thể khối phố đã vận động nhân dân hiến hơn 1000m2 đất và vật kiến trúc để nhà nước đầu tư xây dựng hơn 600m đường bê tông kiệt hẻm; nâng cấp mở rộng hơn 200m đường bê tông với chiều ngày từ 3m thành 5m; vận động nhân dân hiến hơn 1.000m2 đất sản xuất để xây dựng mới và nâng cấp 1.500m kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.
“Có được kết quả trên, trong tiếp xúc với người dân, tôi luôn cầu thị, lắng nghe và không nóng vội. Nhiều lúc va vấp, người dân không hiểu, có xúc phạm mình chăng nữa thì cũng phải ôn hòa, từ từ giải thích. Và đặc biệt, bản thân phải luôn tự nhìn lại mình để rút kinh nghiệm. Ở cơ sở, nhiều công việc không tên bất kể ngày đêm nhưng thấy quê hương đổi mới, cuộc sống bà con tốt lên là tôi hạnh phúc” – ông Xuân nói.
Qua gần 20 năm công tác, ông Xuân chia sẻ, muốn làm tốt công tác ở cơ sở thì bản thân cần phát huy tinh thần đoàn kết trong chi bộ, quân dân chính; phải tận tâm, tận lực, gần gũi, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân; phải đi đầu, gương mẫu trong mọi công việc… Trong công tác vận động, phải học tập lời dạy của Bác Hồ, đó là “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Nội dung: NGUYÊN ĐOAN – HOÀI NHI – TÂM ĐAN
Trình bày: MINH TẠO
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ton-vinh-nhung-nguoi-vac-tu-va-hang-tong-3147715.html