Ông Tuấn – nguyên là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi học được ở ông rất nhiều điều. Lần này tiếp tục học thêm ý chí mạnh mẽ, thích ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn cảnh đẹp nước non. Từ câu chuyện của Hải Vân Quan, chúng tôi ngẫm về hành trình của di tích hôm nay.
Hai địa phương cùng vui chung
Một công trình kiến trúc nghệ thuật và là di tích lịch sử – Hải Vân Quan đã được phục hồi kỳ diệu, mang lại nhiều cảm xúc với người tìm đến.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng, được xây năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng. Bên cạnh nhiệm vụ phòng thủ từ xa của kinh đô Huế, Hải Vân Quan còn trực tiếp kiểm soát cửa biển Đà Nẵng – cửa biển có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 200 năm dầm mưa dãi nắng, lại bị bom đạn bắn phá dữ dội trong hai cuộc chiến tranh ác liệt, Hải Vân Quan bị xuống cấp trầm trọng, trở thành một phế tích khiến ai ngang qua cũng thấy tiếc nuối, xót xa. Riêng những người làm văn hóa thì càng tiếc nuối bội phần.
Trở ngại đầu tiên và lớn nhất của việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Hải Vân Quan là vấn đề sở hữu di tích. Do nằm ngay ở đỉnh đèo, nên Hải Vân Quan chưa hẳn thuộc về Huế, và cũng chưa hẳn thuộc về Đà Nẵng.
Địa giới hành chính giữa Huế và Đà Nẵng đến đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 vẫn chưa xác định rõ ràng. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể như Đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật Bài chòi miền Trung, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… thì nhiều địa phương cùng sở hữu là chuyện bình thường. Nhưng những di tích văn hóa vật thể như Hải Vân Quan thì chưa có tiền lệ sở hữu chung.
Vì vậy, những người làm công tác văn hóa ở Đà Nẵng có một đề xuất mạnh mẽ là phối hợp với ngành văn hóa Thừa Thiên Huế cùng sở hữu chung di tích này. Rất vui là các đồng nghiệp tỉnh bạn đồng ý, rồi cùng nhau báo cáo lãnh đạo hai địa phương trước khi trình hồ sơ lên Bộ VH-TT&DL xin xếp hạng là di tích quốc gia chung.
Niềm vui của những người làm văn hóa vỡ òa khi Hải Vân Quan được công nhận là di tích quốc gia chung của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng vào giữa năm 2017.
Phục hồi Hải Vân Quan
Nhà báo Trần Đăng Tuấn thắc mắc, hỏi tôi: “Tu bổ, phục hồi di tích này trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào?”.
Đó là một vấn đề lớn, bởi thực tế nhiều nơi tiến hành tu bổ, phục hồi di tích nhưng cuối cùng làm cho di tích biến dạng, không còn nhận diện được như cái gốc ban đầu.
Qua thời gian và qua chiến tranh, một số hạng mục công trình Hải Vân Quan bị biến mất. Chưa kể, nơi đó mọc lên một số hạng mục mới mà thuở ban đầu không có, như: lô cốt quân sự, trụ điện, trạm quản lý điện, bia chiến tích…
Ngành văn hóa hai địa phương đã cùng nhau kiên trì khai thác tài liệu trong và ngoài nước, tiến hành khảo cổ, đào bới sâu dưới lòng đất và phát hiện kết cấu nền móng các hạng mục công trình của thuở ban đầu.
Hội thảo khoa học cũng được tổ chức với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về bảo tồn di tích để xác định phương án tu bổ, phục hồi một cách tối ưu.
Đáng chú ý là phải xác định hạng mục nào nhất thiết đập bỏ (như lô cốt quân sự phát sinh thời kháng chiến chống Pháp đã đè lên trên nóc hai khối cửa ải Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan); hạng mục nào cần phục hồi nguyên trạng mặc dầu trước đó không còn dấu vết trên mặt đất (như đường đi lên, đi xuống, các bức tường thành, cổng thành, các nhà Vũ Khố, Trú Sở, Vọng hải đài…); Hạng mục nào nên lưu giữ lại, coi đó là một phần của di tích, mặc dù nó phát sinh về sau (như các lô cốt quân sự cạnh phần lõi di tích).
Ngoài ra, việc xác định vật liệu xây dựng thế nào cho phù hợp nguyên trạng (đá cuội, đá Thanh, gạch vồ, gỗ lim…) cũng được tính đến để đảm bảo hình dạng, kết cấu của một di tích cổ có tuổi đời gần 2 thế kỷ.
Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan do mỗi địa phương chung góp 50% kinh phí (tổng cộng 42 tỷ đồng), sau 3 năm thi công, đã hoàn thành và chính thức công bố đưa vào sử dụng vào ngày 21/12/2024.
Thực tế quy mô dự án không lớn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cùng tính chất phức tạp của địa điểm thi công giữa đỉnh đèo, của yêu cầu khôi phục công trình cổ từ một phế tích nên thời gian kéo dài đến 3 năm.
Tuy vậy, mọi người dễ dàng cảm thông, chia sẻ về sự kéo dài này. Bởi, nếu vội vàng thì sẽ dẫn đến những hậu quả tệ hại trong việc trùng tu di tích như chúng ta thường thấy ở chỗ này chỗ khác.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn nói, khi qua Hải Vân Quan, cùng hàng ngàn du khách gần xa, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài, ông thả hồn ở nơi trên sơn dưới thủy, mây bay đỉnh núi, mây vờn lưng đèo này, lại được khám phá một di tích văn hóa, lịch sử quan trọng vừa được phục hồi từ sự hoang phế ngày nào, trong lòng dậy một niềm vui khó tả.
Mang niềm vui đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn tiếp tục cuộc hành trình xuyên Việt về phía đất trời phương Nam…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ngam-chuyen-hai-van-quan-3146392.html