Nhiều tiềm năng cần khai mở
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Trà My cho biết, huyện Nam Trà My đã có nhiều chủ trương để khai thác, phát triển du lịch. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, hạ tầng khung, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng tại vùng sâm Ngọc Linh.
Đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức các Hội chợ, Lễ hội Sâm Ngọc Linh… nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh đến với người dân trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã dần hình thành các điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hoá và sinh thái. Với du lịch về nguồn khám phá lịch sử – văn hóa, điểm nhấn lớn nhất là Căn cứ quốc gia Liên khu ủy và Ban quân sự khu V, Di tích Ban cán sự miền Tây. Với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du khách có thể ghé thăm Thác 5 Tầng, Suối Đôi, Làng văn hóa Tak Chươm, Suối Nước nóng, làng văn hóa Cheng Tong, Vườn Sâm Tak Ngo…
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Kim Nguyên – Viện Phát triển công nghệ xanh cho rằng, Nam Trà My có nhiều tiềm năng, nhiều địa điểm để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại các điểm du lịch chưa có biển báo, hạ tầng còn có những điểm chưa an toàn cho du khách.
“Cần có cách định hướng, nâng cao năng lực cho cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số để cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, chia sẻ văn hóa, chia sẻ lợi ích từ du lịch cộng đồng…” – bà Nguyễn Kim Nguyên nói thêm.
Theo ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hiện nay, giá trị và tiềm năng du lịch huyện Nam Trà My là rất lớn. Song, việc đầu tư, khai thác sao cho bền vững, hiệu quả là một bài toán lớn đặt ra với cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trà My.
“Địa phương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có lộ trình cụ thể để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện thời gian đến” – ông Nguyễn Thế Phước nói.
Phát triển du lịch bền vững gắn với sâm Ngọc Linh
Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế và du lịch nông nghiệp cho rằng, để thiết kế tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại điểm trồng sâm Ngọc Linh, gắn với văn hóa bản địa cần tạo ra mô hình quản trị, điều hành tour du lịch nông nghiệp tại địa phương, khuyến khích mô hình hợp tác xã.
Đồng thời kết hợp song song nhiều giải pháp như: Tổ chức các tour du lịch nông nghiệp cho các công ty lữ hành ở Quảng Nam và toàn quốc; có sự tham gia của chính quyền địa phương trong quảng bá, xúc tiến kết nối về du lịch bằng những chính sách cụ thể.
“Xuyên suốt trong đó là chiến lược phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh bền vững: Quy trình trồng, dinh dưỡng, du lịch nông nghiệp, thương hiệu vùng, liên kết chặt chẽ giữa các bên” – ông Phạm Thanh Tùng nêu ý kiến.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng tham gia nhiều ý kiến tâm đắc về việc phát huy các tiềm năng sẵn có tại huyện Nam Trà My. Để thương hiệu sâm Ngọc Linh có vị thế cao hơn trên thị trường thì phải kết hợp du lịch nông nghiệp, trải nghiệm tại điểm trồng để du khách hiểu được giá trị sản phẩm.
Các chuyên gia nêu ý kiến về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Trong đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Nam Trà My sẽ là một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững; cần kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Đồng thời cần có các chính sách thu hút đầu tư vào du lịch, bao gồm việc hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao cách làm của huyện Nam Trà My trong việc chủ động tổ chức hội thảo các giải pháp thu hút đầu tư, khai thác, phát triển bền vững du lịch Nam Trà My gắn với sâm Ngọc Linh. Hội thảo chính là cơ hội để cùng nhau chia sẻ những ý tưởng, giải pháp và kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch Nam Trà My gắn với sâm Ngọc Linh, với mục tiêu thu hút đầu tư, khai thác và phát triển bền vững.
Trên cơ sở các ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, doanh nghiệp, huyện Nam Trà My cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để xúc tiến các giải pháp thời gian đến.
“Nghiên cứu tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo từ các tour du lịch kết hợp tham quan các khu vực trồng sâm Ngọc Linh, các khu bảo tồn thiên nhiên, cũng như các hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa bản địa. Trong đó, phát triển thương hiệu du lịch đặc trưng của Nam Trà My gắn liền với hình ảnh sâm Ngọc Linh để thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-nam-tra-my-3146379.html