Sáng ngày 6/12, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các bậc cao niên về thông tin tư liệu liên quan đến di tích Nam Thịnh Sơn Trang ở thôn Quý thạnh 2, xã Bình Quý để hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Được biết, từ năm 1887-1903, chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành đã gây dựng nên Nam Thịnh sơn trang để sản xuất và ẩn thân chờ thời cơ hoạt động cứu nước. Tại đây, ông đã gặp gỡ và kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt gây dựng phong trào chuẩn bị cho hoạt động cứu nước sau này. Bề ngoài, Nam Thịnh Sơn trang là một tổ chức sản xuất với thú điền viên nhưng bên trong là nơi hoạt động chính trị bí mật liên kết với sĩ phu văn thân yêu nước như Chí sĩ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…
Tại đây toàn bộ đất đai Nam Thịnh Sơ Trang rộng hàng chục héc ta, được ông tổ chức sản xuất theo lối nông trại. Đây không chỉ một trang trại mà là một căn cứ địa, để từ đó tập họp những thanh niên yêu nước tập rèn luyện võ nghệ để phục vụ cho hoạt động cứu nước của mình.
Tại hội thảo, đã có 15 ý kiến đóng góp. Một số ý kiến cho rằng: vai trò, vị trí của chí sĩ Tiểu La-Nguyễn Thành và căn cứ địa Nam Thịnh sơn trang cần được tiếp tục nghiên cứu, ghi nhận và đánh giá đúng tầm vóc của nó trong lịch sử dân tộc. Vấn đề trên thực tế hiện nay là bên cạnh Di tích lịch sử “Mộ Tiểu La-Nguyễn Thành”, Nam Thịnh sơn trang cần được định vị, khoanh vùng bảo vệ và tiến tới công nhận là “Di tích lịch sử” để khẳng định và phát huy giá trị lịch sử của nó. Làm sao để nơi đây là một “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
“Theo tư liệu lịch sử, chí sĩ Nguyễn Thành, sinh năm 1863 (Quý Hợi) tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (này là xã Bình Quý, huyện Thăng Bình). Ông tham gia phong trào Nghĩa hội Cần vương, tham gia thành lập Duy Tân hội và phong trào Đông du. Tháng 3/1908, ông bị bắt, sau đó bị kết án, lưu đày đi Côn Đảo. Ông lâm bệnh nặng rồi mất ngày 11/11/1911 khi mới 48 tuổi”. |
Đình Hiệp
Nguồn: https://qrt.vn/van-hoa-van-nghe/hoi-thao-ve-di-tich-nam-thinh-son-trang/