Chủ trì phiên chất vấn gồm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, Nguyễn Công Thanh.
Vì sao liên tục điều chỉnh dự toán?
Chất vấn Giám đốc Sở Tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, đại biểu Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh dự toán của các đơn vị là tất yếu. Tuy nhiên, năm 2024, UBND tỉnh ban hành 63 quyết định để điều chỉnh dự toán của các đơn vị ở cấp tỉnh. Vậy điều chỉnh dự toán có tác động như thế nào đến việc điều hành dự toán ngân sách của tỉnh?
Đại biểu Lâm Quang Thành – Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, thời gian qua Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh để trình các cấp phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, phương án phân bổ nguồn tăng thu, vượt thu… Tuy nhiên, công tác này còn chậm, dẫn đến việc kinh phí giao về cho đến địa phương thì không còn nhiều thời gian thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều nguồn kinh phí chuyển nguồn hoặc hủy bỏ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Giải pháp khắc phục nội dung này là gì?
Còn đại biểu Trần Thị Bích Thu – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chất vấn trách nhiệm Giám đốc Sở Tài chính và Sở GD-ĐT liên quan đến việc chậm trễ bố trí kinh phí, không bố trí kinh phí và hủy dự toán khá lớn trong việc triển khai một số nghị quyết ở lĩnh vực giáo dục.
Trả lời ý kiến chất vấn, ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, Luật Ngân sách cho phép điều chỉnh dự toán ngân sách. Mục tiêu điều chỉnh là phát huy tính hiệu quả ngân sách và tuân thủ theo chủ trương của các cấp. Đặc biệt, hàng năm Thủ tướng Chính phủ có các công điện hoặc chỉ thị về vấn đề ngân sách, tài chính thì yêu cầu các địa phương phải sắp xếp, điều chỉnh các khoản chi trong dự toán để phát huy hiệu quả.
Do đó, trên cơ sở này, sở đã điều chỉnh phù hợp với dự toán. Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến về một số nội dung phải điều chỉnh dự toán. Thời gian qua có khoảng 67 chủ trương của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy về vấn đề này. Và việc điều chỉnh này thực hiện theo các nghị quyết HĐND tỉnh.
“Ngoài việc thực hiện đúng theo chủ trương các ngành, các cấp thì việc điều chỉnh phát huy hiệu quả tích cực. Gần như, các nguồn điều chỉnh ghi nhận đều tốt hơn so với trước đó” – ông Phong khẳng định.
Trong lĩnh vực giáo dục, liên quan đến Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, ông Phong đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan lập kế hoạch và gửi nhu cầu cho Sở GD-ĐT tổng hợp. Sau đó Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính phân bổ 5,3 tỷ đồng còn lại, trung bình 600 triệu đồng/thư viện. Mặc dù 4 năm qua không thực hiện, song năm 2025 (năm cuối cùng) sẽ tập trung giải quyết dứt điểm.
[VIDEO] – Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính trả lời chấn vấn của đại biểu Lâm Quang Thành:
Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT giải trình, kết quả thực hiện Nghị quyết 21 chưa đạt do việc phối hợp chưa chặt chẽ. Năm 2025, sở sẽ tập trung giải quyết nguồn vốn giao thực hiện Nghị quyết 21 phục vụ việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
Khắc phục hạn chế, sớm đổi chủ rừng
Tiến độ thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh về đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 9 huyện miền núi tỉnh giai đoạn 2021 – 2026 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia chất vấn Giám đốc Sở TN-MT.
Đại biểu Đinh Văn Hươm – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát của HĐND tỉnh, công tác đo đạc, kê khai chỉ đạt 33/85 xã (tỷ lệ 38,8%). Đến nay chỉ mới đăng ký 571/67.559 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là những giấy cấp lần đầu và cấp đổi. Vậy vướng mắc lớn nhất hiện nay ở đâu?
“Nghị quyết 07 này sẽ kết thúc vào 2026, với tiến độ hiện nay có đảm bảo không và giải pháp trong thời gian tới sẽ là gì?” – ông Hươm đặt câu hỏi.
Còn đại biểu Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết cuối năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 07 và khắc phục tình trạng sai lệch rất lớn ở các huyện về khối lượng đo đạc thực tế, chỉnh lý biến động và đo đạc máy.
Cụ thể trước đây sử dùng bản đồ 1/10.000 để làm cơ sở dữ liệu đầu vào xây dựng nghị quyết. Đến nay con số này sai lệch, không thực hiện đo đạc được phải chuyển sang đo máy; song số liệu sai lệch lớn so với nghị quyết. Do đó, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu sớm trình HĐND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh Nghị quyết 07 vào quý II năm 2024. Tuy nhiên, đến nay qua 1 năm, vẫn chưa thấy Sở TN-MT trình HĐND điều chỉnh nghị quyết gây khó khăn trong quá trình thực hiện ở các địa phương. Như vậy, trách nhiệm của Giám đốc Sở TN-MT trong việc chậm trễ này như thế nào?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Bùi Ngọc Ảnh – Giám đốc Sở TN-MT cho biết, khi triển khai đo đạc theo phương pháp mới và việc xác định thửa đất hiện nay phát hiện số liệu chênh lệch rất lớn. Dự toán tăng lên khoảng 28 tỷ đồng. Sở TN-MT cam kết sẽ trình HĐND tỉnh điều chỉnh vào quý I năm 2025.
“Khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở TN-MT, tôi đã làm việc với 5 đơn vị tư vấn trong nước về đo đạc để tháo gỡ cho các huyện. Điểm khó là quy hoạch 3 loại rừng đã trình Bộ NN&PTNT nhưng đến nay chưa có kết quả. Nếu không nằm trong 3 loại rừng thì không nằm trong Nghị quyết 07.
Chúng tôi nỗ lực trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc đo đạc để lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và cuối cùng là cấp giấy. Vấn đề quan trọng là sự tham gia của người dân, bởi số lượng đăng ký chỉ mới 18% so với số liệu Nghị quyết 07” – ông Ảnh cho biết.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng cho biết, qua phiên chất vấn, thủ trưởng các sở, ngành trả lời chất vấn đều thể hiện bản lĩnh, nắm rõ thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh những vấn đề khó, phức tạp; trả lời tương đối đầy đủ các câu hỏi của đại biểu, qua đó làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm; đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu HĐND tỉnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-bieu-truy-trach-nhiem-thuc-hien-cac-nghi-quyet-3145375.html