Nghệ nhân Hồ Văn Dinh – Già làng có uy tín xã Trà Bui (Bắc Trà My): Truyền nối văn hóa cho thế hệ trẻ
Người Ca Dong nói riêng và đồng bào các DTTS khác sinh sống ở các huyện miền núi Quảng Nam nói chung đều có tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết. Điều đó càng được thấy rõ kể từ sau khi có Đảng, Bác Hồ. Người miền núi không còn thù hận lẫn nhau, thay vào đó là cùng nhau đoàn kết, đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Đặc biệt, từ sau giải phóng đến nay, đồng bào các DTTS ở Quảng Nam đã thật sự xem nhau như anh em ruột thịt chung một mái nhà. Không ai phân biệt ai, dù là người Ca Dong, Co, Mơ Nông hay Xê Đăng… hễ lúc nào cần đến nhau, người ta đều luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng cộng đồng các DTTS sinh sống tại địa bàn lân cận ở miền núi biết chia sẻ cho nhau về đất đai, hỗ trợ tinh thần, vật chất khi có ốm đau, bệnh tật, ma chay, cưới hỏi… Đó là điều đáng quý, đáng tự hào!
Riêng ở Trà Bui, nơi chủ yếu là người Ca Dong sinh sống, từ bao đời nay, tình đoàn kết cộng đồng luôn được phát huy. Các tộc họ giúp nhau những việc rất nhỏ như góp ngày công làm ruộng, phát rẫy, trồng keo cho đến góp sức dựng nhà cửa, vận động con em đến trường và đặc biệt là công tác tuyên truyền bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều lớp truyền dạy văn hóa được tôi và các nghệ nhân trong xã thực hiện, giúp nhiều con em thuộc các tộc họ người Ca Dong địa phương có cơ hội tiếp cận, góp sức cùng lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Không kể đội cồng chiêng của xã, những năm gần đây, chúng tôi truyền dạy rất nhiều câu lạc bộ, nhóm cồng chiêng cho học sinh tại các trường học. Chính đội ngũ này, sau thời gian nhuần nhuyễn đã tham gia các cuộc liên hoan do tỉnh, huyện, xã tổ chức.
Thời gian gần đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa cộng đồng người Ca Dong ở địa phương Bắc Trà My (Quảng Nam) với cộng đồng người Ca Dong ở các huyện Trà Bồng, Ba Tơ (Quảng Ngãi). Từ đây, vừa tạo điều kiện mở rộng tinh thần gắn kết giữa các tộc họ ở hai tỉnh, vừa giúp giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn, tranh chấp ở vùng giáp ranh.
Ông Briu Quân – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang: Đoàn kết, gìn giữ vốn liếng vô giá của ông cha
Những năm gần đây, Tây Giang đã ra mắt nhiều tộc họ văn hóa, hiếu học trong cộng đồng dân cư. Tiêu biểu như tộc họ Cơlâu, Bhơriu ở xã Lăng và A Xan; tộc họ Arâl ở xã A Vương… Phát huy vai trò của các tộc họ trong xây dựng đời sống mới, cộng đồng Cơ Tu ở Tây Giang tạo nên sức mạnh đoàn kết, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vận động con cháu hiếu học, gương mẫu xây dựng khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp.
Đặc biệt, từ sự đoàn kết dân tộc, các tộc họ người Cơ Tu ở Tây Giang đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong tộc họ mình, cũng như các tộc họ khác gặp khó khăn về nhà ở, hay bị ốm đau, thiếu nguồn lực sinh kế… Điển hình như các hộ ông Bhơriu Pố, Bhơriu Roon, Bhơriu Thị Lăl, Bhơriu Thị Mé, Cơlâu Nhấp, Cơlâu Nghi (ở xã Lăng); hộ Arâl Blư, Arâl Nhới, Arâl Lú (xã A Vương) thời gian qua tích cực hỗ trợ đất đai sản xuất, vật liệu làm nhà, con giống cho các hộ khó khăn thiếu vốn trên địa bàn xã.
Tinh thần cố kết cộng đồng của các tộc họ trên địa bàn huyện Tây Giang được thấy rõ nhất ở cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, thực hiện công trình giao thông nông thôn, san ủi mặt bằng tái định cư… tạo điều kiện để quê hương phát triển, đổi mới.
Nhà báo Alăng Ngước – Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số và miền núi (Hội VHNT Quảng Nam): Truyền thống cố kết cộng đồng
Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Quảng Nam đều có điểm chung là tính cộng đồng rất cao. Trải qua hàng trăm năm sinh tồn, họ luôn phát huy tinh thần gắn kết, xem đó là sức mạnh để vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống.
Những năm trở lại đây, người miền núi chứng kiến rất nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn thể hiện tinh thần này. Tiêu biểu như các hoạt động kết nghĩa anh em giữa đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở Nam Giang; giữa người Ca Dong, Xê Đăng ở Nam Trà My…
Đã có những cuộc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau liên tiếp được thực hiện, giúp cộng đồng các DTTS dần “xóa rào” khoảng cách, chung sống với nhau thuận hòa.
Sinh sống dưới sự chở che của mẹ rừng, người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… không còn ai phân biệt “anh Ve tôi Tà Riềng”, nhờ đó tạo nên những kỳ tích trong kháng chiến và cả ngay cuộc sống mới hôm nay. Nhiều cuộc mâu thuẫn được giải quyết bằng câu chuyện văn hóa; trong đó vai trò lịch sử, truyền thống cội nguồn và tiếng nói của già làng được xem như “quan tòa” phán quyết mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Riêng người Cơ Tu, kể từ khi có Đảng, cộng đồng người thiểu số đông dân nhất vùng biên xứ Quảng đã từ giã những cuộc “săn máu” (Têng brâu). Về sau, những cuộc hàn gắn liên tiếp được thực hiện, nối dài thêm tình nghĩa cộng đồng bằng những đợt kết nghĩa giữa các bản làng.
Họ cùng uống chung nguồn nước, canh tác chung trên cánh rẫy dưới chân núi Trường Sơn và chia sẻ câu chuyện cộng đồng bằng những cuộc di dân, đón những người anh em từ miền núi cao giáp biên giới Việt – Lào về chung sống. Ở các xã của Đông Giang, từ hàng chục năm nay, đồng bào Cơ Tu vẫn nhắc nhớ cháu con về hành trình di dân ngày ấy, xem đó là minh chứng tốt đẹp trong truyền thống gắn kết cộng đồng địa phương…
Ngày nay, khi cuộc sống đã có nhiều đổi mới, người Cơ Tu nói riêng và đồng bào các DTTS ở Quảng Nam nói chung vẫn luôn khắc ghi lời dạy của những người đi trước về tinh thần cố kết cộng đồng. Vượt qua những ràng buộc của lịch sử, thế hệ trẻ miền núi bây giờ đã tự do tìm hiểu hôn nhân, kết nối thân tộc, giúp nhau phát triển cuộc sống dưới mái nhà Trường Sơn.
Ông Pơloong Plênh – Phó Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Tây Giang: Những kết nối không ranh giới
Tinh thần đoàn kết của người đồng bào DTTS miền núi Quảng Nam nói chung, đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang nói riêng được thể hiện rõ nét qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đồng bào miền núi đoàn kết một lòng, vùng lên đánh giặc, bảo vệ thành quả cách mạng, bám đất giữ làng.
Sống chung dưới mái nhà Trường Sơn, tinh thần đoàn kết ấy càng được bồi đắp, phát triển lớn mạnh không ngừng. Hàng nghìn hộ gia đình, dòng tộc, làng bản miền núi xứ Quảng góp sức cho cách mạng, họ cùng nuôi giấu bộ đội, cán bộ miền xuôi; sẵn sàng lên đường cõng gùi lương thực, đạn dược cho tiền tuyến và trực tiếp tham gia các trận đánh xuyên núi, giành thắng lợi.
Phát huy tinh thần đoàn kết, ngày nay, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nghe theo chủ trương của Đảng, góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều công trình gươl, moong, nhà sàn truyền thống được phục dựng tạo ra giá trị kiến trúc văn hóa độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Cơ Tu nói riêng, đồng bào các DTTS miền núi Quảng Nam nói chung.
Những người trẻ ở miền núi miệt mài học hỏi kinh nghiệm “lửa nghề” từ các nghệ nhân văn hóa dân gian, say mê chế tác, biểu diễn nhạc cụ, đan lát, điêu khắc gỗ… góp thêm vào câu chuyện bảo tồn văn hóa, giữ nét đẹp truyền thống, cùng mở hướng phát triển du lịch tương lai.
Tinh thần đoàn kết còn thể hiện trong “Văn hoá làng”, “Văn hóa giữ rừng” độc đáo, nhân văn của các tộc người miền núi, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu, thông qua văn hóa chia phần, tặng củi, tặng gạo… giúp người yếu thế trong làng. Bằng vai trò và tinh thần cố kết, họ giúp nhau vượt qua khốn khó, nhất là thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS đã tình nguyện hiến đất đai, hoa màu, nhà cửa, cây trồng… cùng góp sức cho sự đổi mới của quê hương, bản làng mình.
Riêng đối với đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, nơi có 8 xã giáp biên giới với nước bạn Lào, tinh thần đoàn kết không chỉ thể hiện giữa cộng đồng thôn, xã mà cao hơn là sự kết nối “không biên giới” giữa đồng bào hai bên biên giới. Với phương châm “Giúp bạn là giúp mình”, cộng đồng và chính quyền Tây Giang đã tổ chức nhiều chuyến đi thăm thân, hợp tác, kết nghĩa nhằm xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ket-noi-toc-ho-trong-cong-dong-mien-nui-3145319.html