Thực hiện Chỉ thị số 20, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn Quảng Nam đạt được những kết quả quan trọng.
Nhiều đầu sách
Thực hiện Chỉ thị số 20, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ở Quảng Nam được xác định mục tiêu đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nhằm tuyên truyền truyền giáo dục truyền thống cách mạng. Đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, các cấp ủy đảng đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn.
Đến cuối năm 2024, hầu hết cơ quan, ban ngành đoàn thể trực thuộc Tỉnh ủy, 18/18 huyện, thị, thành ủy và hàng trăm xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử cấp mình.
Cùng với đó là hàng trăm ấn phẩm chuyên đề hồi ký, ký sự, kỷ yếu hội thảo được các cấp biên soạn và xuất bản, tiêu biểu như: “Huỳnh Ngọc Huệ – Người con ưu tú Xứ Quảng”, “Vũ Trọng Hoàng – Người con đất Quảng kiên trung”, sách ảnh “Bác Hồ với Quảng Nam – Quảng Nam với Bác Hồ”, “Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam 1930 – 1975”…
Các công trình, ấn phẩm lịch sử được xuất bản đã góp phần tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, nâng cao lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những thủ đoạn ngày càng thâm độc của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở việc xuất bản, phát hành, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử – văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh được cấp ủy các cấp quan tâm đẩy mạnh triển khai với hình thức, nội dung phong phú, sinh động.
Đặc biệt, trên cơ sở các công trình lịch sử, văn hóa đã xuất bản, từ cuối năm 2019, được sự thống nhất chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng số hóa các công trình đó trên trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh tại thư mục Thư viện ấn phẩm ở địa chỉ “http://thuvienanpham.quangnam.gov.vn), qua đó đăng tải hàng trăm công trình, ấn phẩm. Theo số liệu thống kê hàng năm có gần 10.000 lượt truy cập Thư viện ấn phẩm.
Đa dạng phương thức giáo dục
Báo Quảng Nam dành nhiều chuyên trang, chuyên mục “Đất và người xứ Quảng”, “Hồ sơ tư liệu” đăng tải nhiều bài viết liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng, về vùng đất và con người xứ Quảng. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh hàng năm sản xuất và phát sóng khoảng 5 phim tài liệu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu của quê hương, đất nước…
Ngoài ra, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như thành lập Đảng bộ tỉnh (28/3), giải phóng quê hương (24/3) và những sự kiện chính trị quan trọng khác, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng tải nhiều bài viết, phóng sự tài liệu lịch sử…
Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức các buổi tọa đàm ôn lại truyền thống lịch sử; tổ chức các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm tìm hiểu về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiêu biểu như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa Quảng Nam; lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”; huyện Đại Lộc với cuộc thi viết “Chiến thắng Thượng Đức – Ký ức hào hùng”; Tây Giang với cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Tây Giang (1945 – 2020); Nam Giang với cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Lặc 75 năm hình thành và phát triển” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang 75 năm hình thành và phát triển” (28/6/1949 – 28/6/2024)…
Công tác giáo dục lịch sử trong các nhà trường cũng được các cấp ủy đảng quan tâm chú trọng. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện đã đưa nội dung tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, các lớp trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị theo tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo Trung tâm Chính trị xây dựng giáo trình giáo dục lịch sử Đảng địa phương, đưa vào giảng dạy chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại”.
Công tác giảng dạy lịch sử địa phương đối với các trường học trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định. Phòng GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt việc lồng ghép lịch sử đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy các bộ môn như: lịch sử, giáo dục công dân, ngữ văn và các tiết học ngoại khóa…
Đồng thời chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan học tập tìm hiểu địa chỉ đỏ…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-nhin-tu-cong-tac-giao-duc-lich-su-dang-3145217.html