Giới thiệu sâm Ngọc Linh qua livestream
Mở đầu hội nghị, các đại biểu được Hiệp hội Sâm Quảng Nam kết nối trực tuyến, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Nam Trà My bằng hình thức livestream, trò chuyện, trao đổi trực tiếp với toàn thể hội nghị thông qua màn hình led.
Từ điểm cầu Nam Trà My, các đại biểu ở hội trường được xem quy mô vườn sâm, môi trường và điều kiện tự nhiên ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển. Các đơn vị trồng sâm ở Nam Trà My hiện đang bảo tồn rất tốt nguồn gen gốc như đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ những giá trị thu hoạch được ở vườn sâm, những năm qua, người dân vùng sâm Nam Trà My và doanh nghiệp không chỉ bán củ sâm tươi mà còn sản xuất nhiều sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh như sâm ngâm mật, tinh chất sâm, rượu sâm, trà sâm, viên nang sâm, mỹ phẩm làm từ sâm… Trong đó, hầu hết các sản phẩm đều được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Trao đổi qua livestream với đại biểu tham dự hội nghị, bà Nguyễn Thị Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm cho biết, những năm qua, sản phẩm sâm của người trồng sâm huyện Nam Trà My đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, nhất là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, bà con trồng sâm đang đối mặt với tình trạng sâm giả tràn lan trên thị trường, gây mất uy tín đối với những vườn sâm ở Nam Trà My. Chính vì vậy, qua livestream, bà Huỳnh mong muốn các đại biểu, doanh nghiệp, khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh cần thận trọng hơn và chỉ nên mua những nơi uy tín, đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc.
Cạnh đó, nhiều ý kiến của các chủ vườn sâm khác cũng cho rằng, TP.Hồ Chí Minh là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm chất lượng cao như sâm Ngọc Linh hay những sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh.
“Hy vọng rằng, thông qua những hình ảnh livestream này, quý vị đại biểu, doanh nghiệp, khách hàng như được tham quan vườn sâm Ngọc Linh và có thêm niềm tin đối với những sản phẩm mà chúng tôi sẽ đưa vào miền Nam phát triển thị trường trong thời gian tới” – đại diện một công ty sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My chia sẻ ngay trên phiên livestream sáng 28/11.
Tận dụng nhiều cơ hội
Hội nghị còn bàn bạc các phương thức để đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam không chỉ phát triển ở thị trường TP.Hồ Chí Minh mà còn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Bà Trương Phương Thoa – Giám đốc thương mại điện tử khu vực phía Nam, đại diện Công tyCP Tập đoàn OSB GROUP Sàn thương mại điện tử Alibaba.com và Sàn thương mại điện tử Tridge cho rằng, những năm gần đây, không chỉ các doanh nghiệp ở các thành phố lớn mà ở những tỉnh khác cũng bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu. Hiện nay, có nhiều phương thức kết nối để xuất khẩu sản phẩm, tuy nhiên, thương mại điện tử là phương thức tiết kiệm và hiệu quả.
“Doanh nghiệp cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng cần chuẩn bị những điều kiện cần để đưa sản xuất gia nhập thị trường thế giới. Đầu tiên, doanh nghiệp phải có sản phẩm mang tính cạnh tranh, tạo được sự khác biệt, sản phẩm có tiềm năng phát triển ở thị trường lớn và đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của thế giới.
Để vận hành sàn thương mại điện tử toàn cầu, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự chuyên trách để xây dựng gian hàng một cách chuyên nghiệp, bắt mắt giống hệt với gian hàng thực tế mà chúng ta thường đi trưng bày, triển lãm. Doanh nghiệp cũng phải số hóa được các điểm tiếp xúc trên các sàn thương mại điện tử, liên tục tối ưu để đạt được tỷ lệ chuyển đổi cao nhất” – bà Thoa nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin, qua gần 7 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay đã có 407 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó 61 sản phẩm đạt 4 sao.
[VIDEO] – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói về 2 sản phẩm có tiềm năng nhất xuất khẩu nhất của tỉnh Quảng Nam:
Các chủ thể tham gia chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất. Chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Cạnh đó, mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến, việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được thực hiện tốt.
“Hội nghị lần này là dịp để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp hiểu, nắm bắt về cơ hội, tiềm năng của tỉnh, hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của 2 tỉnh thành trong việc xây dựng triển khai Chương trình OCOP một cách có hiệu quả. Thông qua những ký kết, hợp tác ngày hôm nay, hy vọng rằng, thời gian tới, việc kết nối, xúc tiến thương mại của 2 địa phương Quảng Nam và TP.Hồ Chí Minh sẽ mở ra một trang mới đầy sự gắn kết” – Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, đánh giá cao việc Quảng Nam lựa chọn TP.Hồ Chí Minh là nơi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, thị trường TP.Hồ Chí Minh có quy mô lớn, đa dạng đối tượng khách hàng và là cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa đi các nước trên thế giới.
“Chúng tôi tin rằng, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sự hỗ trợ, đồng hành của ngành công thương TP.Hồ Chí Minh, chương trình OCOP của 2 địa phương sẽ có hướng phát triển mới trong thời gian tới. Đặc biệt là việc hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm cũng như cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam” – ông Vũ chia sẻ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hop-tac-thuong-mai-san-pham-ocop-giua-quang-nam-va-tp-ho-chi-minh-3144976.html