Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại kỳ họp này có 9 chương, 94 điều; quy định nhiều nội dung quan trọng như: Chính sách hỗ trợ việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin hỗ trợ việc làm; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm…
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64: “Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức không được hưởng trợ cấp thất nghiệp” là chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động; đồng thời đề nghị nghiên cứu xây dựng quy định này mang tính nguyên tắc, theo hướng cho phép họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối nhận việc vì lý do đã bị sa thải, buộc thôi việc ở doanh nghiệp, đơn vị trước đó (người lao động bị sa thải rất khó tìm việc làm mới, do người sử dụng lao động mới coi “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc).
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, tại khoản 1, Điều 65 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và đề nghị nâng lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa). Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều người lao động, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
Theo chương trình, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
* Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-nam-kien-nghi-tao-dieu-kien-ho-tro-nguoi-lao-dong-khi-that-nghiep-3144911.html