Đưa vốn vào nền kinh tế
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang gấp rút hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Bà Vũ Thị Tố Nga – Giám đốc BIDV Quảng Nam cho biết, ngân hàng đang khẩn trương triển khai các gói tín dụng ngắn hạn, trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhà ở, mua ô tô, phục vụ nhu cầu đời sống người dân và doanh nghiệp.
BIDV Quảng Nam đang triển khai cho vay trung, dài hạn với khách hàng cá nhân bảo đảm bằng bất động sản, sản xuất kinh doanh… với lãi suất cho vay 6%/năm trong 6 tháng hay 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.
BIDV đang triển khai gói tín dụng xanh cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống bảo đảm bằng bất động sản, sản xuất kinh doanh…, lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng 0.5%/năm.
Với gói tín dụng ngắn hạn, BIDV Quảng Nam hướng vào khách hàng cá nhân có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh; lãi suất cho vay 3,9%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng, 4,4%/năm với kỳ hạn vay từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất cho vay 4,8%/năm với thời gian vay từ 6 tháng đến dưới 9 tháng…
Đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng của BIDV Quảng Nam đạt 10.518 tỷ đồng (tăng 20,6% so với đầu năm). BIDV Quảng Nam nghiêm túc thực hiện điều hành lãi suất huy động và cho vay đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam.
Đơn vị chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn. BIDV Quảng Nam triển khai rất nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bán lẻ, khách hàng FDI, khách hàng SMEs, khách hàng lớn và gắn bó lâu năm.
Ông Nguyễn Đình Khánh – Giám đốc Ngân hàng Lộc Phát chi nhánh Quảng Nam cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh cho vay để nỗ lực đạt chỉ tiêu tín dụng năm 2024. Ngân hàng này đang triển khai chương trình “Tiếp sức vốn vay – lãi suất trao tay” kéo dài đến hết 31/12.
Điểm nổi bật của chương trình là mức lãi suất cho vay ưu đãi. Với doanh nghiệp vay vốn bằng VND, lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm; đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay USD, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 5%/năm. Ngân hàng tinh giản các quy trình và thủ tục để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, dễ dàng.
Cũng theo ông Khánh, Ngân hàng Lộc Phát chi nhánh Quảng Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất kinh doanh cuối năm, dịp tết. Đến nay, dư nợ của đơn vị đạt gần 2.000 tỷ đồng
Để tăng trưởng tín dụng bền vững
Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng chủ yếu vào 4 tháng đầu năm, tuy nhiên tốc độ tăng ở mức trung bình, sau đó liên tục giảm và bắt đầu tăng tốc ở tháng 10.
Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại Quảng Nam đến nay đạt 109.147 tỷ đồng (tăng 2,14% so với đầu năm, đạt 88,89% chỉ tiêu kế hoạch năm), hầu hết ngân hàng chưa đạt chỉ tiêu tín dụng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam.
Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Các ngân hàng thương mại đã áp dụng lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, cơ cấu lại nợ đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là thời điểm cuối năm, dịp tết.
Tuy nhiên, đáng nói là trong năm nay, diễn biến nợ xấu tại các tổ chức tín dụng rất phức tạp. Có thời điểm như tháng 4, tỷ lệ nợ xấu rất cao, lên đến 3,99%/tổng dư nợ cho vay.
Đến nay, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn là 2.251 tỷ đồng (tỷ lệ 2,06%/tổng dư nợ, tăng 44,86% so với đầu năm). Đáng kể hiện nay, nợ xấu nhóm 5 chiếm 1,3% tổng dư nợ, nhóm 4 là 0,53%, nhóm 3 là 0,26%.
Ông Phạm Trọng cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp “khát” vốn để phát triển sản xuất kinh doanh cuối năm, dịp tết, các tổ chức tín dụng cần rà soát, linh hoạt hơn các điều kiện cho vay đi đôi với kiểm soát rủi ro. Nới lỏng cho vay là cần thiết nhưng phải chặt chẽ, tránh tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
“Các tổ chức tín dụng cần hạ lãi suất cho vay ở mức thấp nhất có thể, tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng cho doanh nghiệp nhưng không thể mạo hiểm cấp tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu. Doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu huy động vốn, các thông tin tài chính, thuế, doanh thu, lợi nhuận, sổ sách kế toán phải minh bạch, chuyên nghiệp mới dễ tiếp cận vốn mới” – ông Trọng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, cho vay lâm – thủy sản gói 30.000 tỷ đồng được xem là cú hích cho phát triển khi lãi suất thấp hơn 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân. Tuy nhiên đến nay, các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam chưa giải ngân gói này. Còn chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Quảng Nam có 3 dự án được phê duyệt nhưng các dự án đều có những vướng mắc nên chưa phát sinh dư nợ cho vay từ các ngân hàng thương mại.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/to-chuc-tin-dung-o-quang-nam-kich-cau-day-von-vao-nen-kinh-te-3144834.html