Khích lệ phụ nữ khởi nghiệp
Theo Hội LHPN tỉnh, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp. Từ sự hỗ trợ của các cấp hội, có hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ gửi dự thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ” các cấp. Hàng chục dự án tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương hội và lọt vào vòng chung kết…
Ngoài ra, Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp – sáng tạo được phát động trên toàn tỉnh theo thông điệp và chủ đề từng năm, thu hút đông đảo phụ nữ hưởng ứng. Nhiều dự án, ý tưởng của phụ nữ được UBND tỉnh công nhận và trao giải. Ví như, dự án “Đánh thức giá trị cây nhàu” của tác giả Bùi Thị Tuyết Nhung (TP.Tam Kỳ) đạt giải nhất; dự án “Ngọt đắng rừng Ngọc Linh – sâm Ngọc Linh mật ong” của chị Lê Thị Bích Luyện (Phú Ninh) và “Du lịch làng nghề và phát triển sản vật khoai lang Trà Đỏa” của chị Nguyễn Thị Thành Vinh (Thăng Bình) đạt giải nhì…
Nhiều dự án khởi nghiệp của phụ nữ Quảng Nam cũng được chọn tham gia hội thi phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương. Ví như, dự án “Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau” của tác giả Phan Vũ Hoài Vui (HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam ở Tiên Phước) lọt vào top 24 dự án tiêu biểu và được trao giải “Chắp cánh tài nguyên bản địa” trị giá 100 triệu đồng…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Trưởng ban Gia đình xã hội – kinh tế (Hội LHPN tỉnh) chia sẻ, suốt 7 năm triển khai Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, các HTX do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp, tổ hợp tác…
Hội còn phát hiện, giới thiệu cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có dự án khởi nghiệp với khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để được hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án “Phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025” của UBND tỉnh.
Điển hình như các sản phẩm bánh chưng Bà Ba Hội (của chị Huỳnh Thị Thu Thủy, TP.Tam Kỳ); sản phẩm từ cây nhàu (chị Bùi Thị Tuyết Nhung, TP.Tam Kỳ) đã được Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giới thiệu phát triển sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của Quảng Nam với Công ty CP Dịch vụ đường sắt Sài Gòn – chi nhánh Đà Nẵng.
Cũng theo bà Hóa, Quảng Nam hiện có 114 HTX có phụ nữ tham gia quản lý với 385 thành viên nữ và 71 lao động nữ. Năm 2024, các cấp hội tiếp tục duy trì 9 CLB “Phụ nữ khởi nghiệp” tại cấp huyện; ký kết với Ngân hàng Đông Nam Á giải ngân 4,9 tỷ đồng cho 69 dự án khởi nghiệp; hỗ trợ 4 dự án khởi nghiệp với 248 triệu đồng về thiết kế nhãn mác, bao bì, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất…
Hội LHPN tỉnh đã phát động Cuộc thi “Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp” lần thứ VII, năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Qua phát động đã có 62 dự án của hội viên phụ nữ tham gia dự thi, trong đó có 13 dự án được UBND tỉnh công nhận và công bố ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam năm 2024.
Giai đoạn 2017-2024, Hội LHPN tỉnh và các huyện/thành phố/thị xã đã kết nối nguồn lực, hỗ trợ nâng cao năng lực cho 1.161 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh. Hỗ trợ gần 200 ý tưởng/dự án khởi nghiệp với hơn 6,3 tỷ đồng về thiết kế nhãn mác, bao bì, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đề nghị công nhận và nâng sao sản phẩm OCOP…
Đa dạng cách thức hỗ trợ
Bà Đặng Thị Lệ Thủy – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, so với các năm trước, năm 2024, việc triển khai Đề án 939 trên địa bàn có những điểm nổi trội vượt bậc. Trong năm, các cấp hội đã đa dạng các nội dung, hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Tổ chức rộng rãi các cuộc thi “Đấu trường tri thức”, các số livestream, thành lập các điểm mô hình “Tổ liên kết thu mua sản phẩm quê”, mô hình “Phụ nữ liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp”…
Hội LHPN tỉnh còn tổ chức hành trình “Chuyến xe khởi nghiệp” năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp tham quan, học tập mô hình khởi nghiệp ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất…
Tại các địa phương, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp nổi bật, với nhiều hoạt động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới cộng đồng.
Cụ thể, TP.Hội An với “Chương trình workshop truyền nghề”; huyện Phú Ninh với mô hình điểm “Tổ liên kết tiêu thụ sản phẩm quê”, được nhân rộng tại 11 cơ sở; huyện Hiệp Đức với mô hình “Phụ nữ liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp”, được nhân rộng 11 cơ sở…
Hội LHPN huyện Núi Thành tổ chức 5 “Phiên chợ xanh”; huyện Tây Giang tổ chức livestream sản phẩm khởi nghiệp miền núi; huyện Đại Lộc, TP.Tam Kỳ với hành trình “Chuyến xe khởi nghiệp”…
Cũng theo bà Thủy, qua 7 năm triển khai Đề án 939, Hội LHPN tỉnh và huyện/thành phố/thị xã đã tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các chính sách tín dụng từ các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn quỹ do hội quản lý (Quỹ phát triển kinh tế xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ).
Qua đó tư vấn, hỗ trợ cho hàng ngàn người với số tiền hàng tỷ đồng. Hội tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ kinh doanh cá thể và cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-khoi-day-noi-luc-cua-phu-nu-khoi-nghiep-3144778.html