Những kết quả
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Quảng Nam) thông tin, Công an phối hợp Sở TT-TT và Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã hoàn thành triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên VNeID từ ngày 12/11/2024.
Từ ngày 15/10 đến 15/11, toàn tỉnh tiếp nhận 1.000 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Trong đó có 911 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 91,10%), nhận qua bưu điện 89 hồ sơ. Tổng số hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID (từ ngày 12/11/2024) là 81/161 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 50,3%).
Quảng Nam duy trì cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông; tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, đặc biệt là 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an chủ trì.
Nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% như: đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu; cấp hộ chiếu phổ thông; đăng ký cấp biển số xe gắn máy; phạt nguội…
Công an tỉnh duy trì tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho công dân và phạm nhân đang giam giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 641.800 tài khoản định danh mức 2, đã kích hoạt hơn 569.100 tài khoản, tích hợp được hơn 87.200 mã thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) vào ứng dụng VNeID (đạt tỷ lệ 15%, đứng thứ 53/63 tỉnh/thành phố) và duy trì đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Sở TT-TT triển khai hiệu quả ứng dụng Smart Quảng Nam, đã và đang tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai nhân rộng “mô hình 24 chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO)”.
Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức xây dựng video hướng dẫn người dân tích hợp mã BHYT vào ứng dụng VNeID, xây dựng tài liệu hướng dẫn người dân thực hiện cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID và ban hành công văn yêu cầu các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện.
Chậm tiến độ thực hiện
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân – Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, bên cạnh những kết quả thực hiện trong tháng 10 và 11, Quảng Nam vẫn còn nhiều tồn tại trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Cụ thể, Quảng Nam nằm trong 10 địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Theo báo cáo của Sở Tư pháp, công tác tiến hành chia, tách dữ liệu cho UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh để cập nhật dữ liệu vào phần mềm 158 của Bộ Tư pháp chỉ mới hoàn thành khoảng 70%.
Về công tác số hóa dữ liệu đất đai, Sở TN-MT chưa xây dựng lộ trình, tiến độ số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tỉnh, nguy cơ không hoàn thành tiến độ theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn làm sạch dữ liệu đất đai của Bộ Công an.
Về công tác triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân, Căn cước và ứng dụng VNeID, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID có tỷ lệ quét mã chưa cao, tỷ lệ tích hợp sổ sức khỏe điện tử/ mã thẻ BHYT trên ứng dụng còn thấp (vị trí 53/63 toàn quốc).
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu lên cổng giám định BHYT của BHXH, vẫn còn 3 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng BHYT chưa hoàn thành đẩy dữ liệu lên cổng giám định BHYT của BHXH gồm: Trạm Y tế thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh), Trạm Y tế phường Minh An, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An).
Nguyên nhân do 2 Trạm Y tế phường Minh An và thị trấn Phú Thịnh có vị trí gần Trung tâm Y tế thành phố, huyện nên bệnh nhân đến khám ở trung tâm, ở trạm không có người bệnh đến khám nên không có dữ liệu để đẩy cổng giám định BHYT. Riêng Phòng khám đa khoa Trường Đại học Phan Châu Trinh đã dừng hoạt động.
Ngoài ra, Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại liên quan công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống, thiết bị liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, Sở VH-TT&DL chưa triển khai mô hình liên quan đến Camera AI.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định một số nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 vẫn còn chậm. Do đó, các địa phương, đơn vị cần tích cực tuyên truyền và phải có sản phẩm cụ thể, cách làm mới.
“Phải tuyên truyền mạnh hơn nữa, làm theo từng ngày. Các nhiệm vụ khác có thể theo từng tuần, từng tháng, từng quý, nhưng chuyển đổi số, cải cách hành chính về Đề án 06 phải có cách tuyên truyền mới lạ hơn, đừng tuyên truyền mùa vụ.
Hàng tuần phải có chỉ tiêu cụ thể bao nhiêu bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình, các kênh truyền thông đại chúng, tăng cường thời lượng, nội dung của ngành, địa phương. Các ngành phải chủ động có nội dung tuyên truyền của ngành mình, ứng dụng đa dạng các kênh thông tin” – đồng chí Hồ Quang Bửu lưu ý.
Đồng chí Hồ Quang Bửu cũng yêu cầu các ngành chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Riêng số hóa dữ liệu hộ tịch phải quyết tâm đạt 100%. Địa phương nào yếu, thiếu quyết tâm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, Tỉnh ủy sẽ có yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy vào cuộc. Trong quá trình xây dựng dữ liệu cần đảm bảo tính chính xác, “đúng, đủ, sạch, sống” và đảm bảo an ninh an toàn dữ liệu.
[VIDEO] – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại buổi làm việc:
Nguồn: https://baoquangnam.vn/pho-chu-tich-ubnd-tinh-ho-quang-buu-can-dam-bao-tinh-chinh-xac-dung-du-sach-song-va-an-ninh-an-toan-trong-qua-trinh-xay-dung-du-lieu-3144536.html