Khi mưa rơi lâm thâm ngoài sân, cái lạnh của ngày đầu đông len lỏi, mẹ tôi lại bày ra một mâm đầy lá lốt và thịt băm.
Mỗi lá lốt được mẹ chọn lựa kỹ càng, dày dặn, mềm mại và được giữ nguyên phần ria lá để có thể cuốn lấy nhân thịt băm bên trong. Mẹ tôi thường chọn thịt heo có lẫn nạc và mỡ để khi cuốn thịt không bị khô. Thịt băm thường được mẹ trộn với hành tím, sả, tiêu, nấm mèo thái nhỏ và nước mắm đường bột ngọt, làm thành hỗn hợp hấp dẫn.
Mẹ ngồi bên bếp lửa, đôi tay thoăn thoắt cuốn từng chiếc chả. Lá lốt tươi mướt, mềm mại, bao bọc lấy phần thịt băm trộn gia vị đậm đà. Từng chiếc chả nhỏ bé xíu được mẹ xếp ngăn nắp trên que xiên rồi bắt đầu nướng.
Tiếng xèo xèo của chả nướng trên bếp than vang lên như một bản nhạc bình dị, nhưng lại có sức cuốn hút lạ kỳ. Mẹ bảo khi nướng phải trở tay liên tục để chả chín đều, không cháy, nhân sẽ ẩm mềm mà không bị khô.
Chả vừa nướng xong, mùi thơm bay khắp căn bếp, quyện vào không khí. Mẹ thường bảo, cái ngon của món ăn không chỉ nằm ở hương vị, mà ở sự chăm chuốt dành cho nó.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi ngửi thấy mùi thơm đó. Một mùi thơm ấm áp, lan khắp không gian, kéo chúng tôi về ăn bữa cơm. Gắp một miếng chả, vị bùi ngậy của thịt thấm vào miệng và tan ra. Vị ngon đậm đà. Mỗi cuốn chả như một lời mời gọi bình dị, một nhắc nhớ về những buổi chiều mưa gió, về bếp lửa đỏ ấm áp ở đó luôn có một người cho tôi no bụng.
Chả lá lốt của mẹ không phải là món ăn sang trọng, nhưng lại là món ăn ngon nhất với tôi. Bây giờ, khi đã trưởng thành, mỗi lần làm món chả lá lốt, tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày mùa đông đầy mưa gió, ngồi quanh mâm cơm, háo hức chờ đợi món ăn mẹ làm.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/huong-vi-tu-ban-tay-me-3144750.html