Tam Lãnh ngày mới
Tam Lãnh được biết đến là địa phương sở hữu mỏ vàng Bồng Miêu – với trữ lượng và quy mô khai thác lớn nhất cả nước từ thời Pháp thuộc.
Giấc mộng chập chờn với vàng của vùng đất này xem như đã khép lại. Vùng quê thanh bình, yên ả nép mình bên lòng hồ Phú Ninh đang ấp ủ một khát khao mới – xây dựng Tam Lãnh trở thành điểm đến yêu thích của du khách.
Qua các khảo sát, đánh giá, Tam Lãnh có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hệ sinh thái động – thực vật đa dạng. Nơi đây, hồ Phú Ninh như một “vịnh Hạ Long thu nhỏ” gắn với các di tích, danh thắng như thác Trắng Hầm Hô, mỏ vàng Bồng Miêu, gành Gấu – hang Dơi…
Từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, mực nước trong hồ Phú Ninh cạn dần, tạo ra những bãi bồi quanh co, uốn lượn. Ven triền hồ trong khoảng thời gian này là địa điểm lý tưởng để du khách thập phương đến sinh hoạt dã ngoại, cắm trại, câu cá…
Tam Lãnh còn có bến đò Bà Dinh từng là nơi ghi dấu nhiều kỳ tích của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; có khe Hố Sanh còn nguyên sơ với dòng nước quanh năm trong vắt.
Người dân Tam Lãnh sống chủ yếu bằng nghề nông, có tính cố kết cộng đồng bền vững, mang đậm nét văn hóa của làng quê Trung Bộ.
Ông Nguyễn Văn Sự – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, phần lớn người dân tại thôn Phước Bắc và An Mỹ đều mong muốn được tham gia hoạt động du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, môi trường sinh thái của địa phương, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Công ty CP TM-DV Tâm Group (một đơn vị hoạt động du lịch phía nam Quảng Nam) nhận định, có thể nghiên cứu thúc đẩy du lịch Tam Lãnh qua đường sông nước bằng việc tạo liên kết tour tuyến với các điểm đến ở Tam Kỳ.
Bên cạnh đó, thác Trắng Hầm Hô sẽ là một điểm đến khác biệt nếu cơ quan quản lý biết khai thác phù hợp, lồng ghép xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đãi vàng gắn với các câu chuyện lịch sử tại đây.
Nhiều chờ đợi…
Năm 2024, UBND huyện Phú Ninh ban hành kế hoạch thực hiện phương án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng xã Tam Lãnh, tạo nền tảng thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại Tam Lãnh.
Theo kế hoạch này, các bên liên quan đã và đang triển khai nhiều phần việc để thiết lập, cải tạo hạ tầng khung cho điểm đến Tam Lãnh. Đáng chú ý có các nội dung như: đầu tư cải tạo nhà sinh hoạt thôn Phước Lợi (không còn sử dụng) thành điểm đón tiếp khách, hướng dẫn giới thiệu khách tham quan, lưu trú; đầu tư một số nhà vệ sinh công cộng ven hồ; cải tạo, sửa chữa hư hỏng và xây dựng điểm tránh xe tuyến từ Bến đò Bà Dinh đi nhà ông Trình; cải tạo nền, cấp phối tuyến đường từ nhà ông Lợi đi hố Khe Sanh; hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế vườn cho 23 khu vườn có diện tích hơn 1.000m2; vẽ tranh bích họa trên tường nhà, trang bị ghe thúng đưa đón khách tham quan trên hồ…
Ông Nguyễn Văn Sự cho biết, sau khi được huyện hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, năm 2024 đã có nhiều hơn những du khách ghé đến Tam Lãnh. Hy vọng sang đầu năm 2025, điểm đến Tam Lãnh sẽ tạo ra diện mạo mới và mang lại nhiều sắc màu ấn tượng cho du khách bằng một Tuần lễ du lịch cộng đồng nhân dịp chào mừng 20 năm thành lập huyện Phú Ninh.
Trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là một trong số các loại hình nhận được nhiều sự quan tâm.
Mô hình du lịch cộng đồng xã Tam Lãnh là một trong số các điểm đến được liệt kê vào nhóm khu vực có tiềm năng để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong kế hoạch. Nếu một số cơ chế, đề án hỗ trợ trong kế hoạch được thông qua trong giai đoạn tới, những điểm đến mới như Tam Lãnh sẽ có thêm nguồn lực để phát triển.
Du lịch cộng đồng đang thổi một “làn gió mới” vào hành trình chuyển mình của vùng đất từng là “thủ phủ” khai khoáng vàng năm nào. Chặng đường phát triển du lịch phía trước của Tam Lãnh sẽ còn lắm thách thức nhưng cũng rất đáng chờ đợi…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cho-doi-lan-gio-moi-tam-lanh-3144753.html