Điểm đến văn hóa
Sáng 17/11, hơn 100 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Nước Oa (Bắc Trà My) đã đến tham quan Bảo tàng Quảng Nam. Mặc dù thời gian tham quan kéo gần 2 giờ đồng hồ nhưng dường như vẫn chưa đủ đối với nhiều học sinh, không ít em bày tỏ tiếc nuối khi phải kết thúc chương trình sớm.
Nguyễn Hoàng Nghiệp – học sinh lớp 10, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Nước Oa chia sẻ, đây là lần đầu tiên em đến Bảo tàng Quảng Nam nên rất ngạc nhiên bởi hiện vật nào cũng đẹp và quý hiếm. Đặc biệt, thuyết minh viên bảo tàng rất gần gũi, nhiệt tình, sẵn sàng giải thích mọi thắc mắc của em và các bạn học sinh.
“Con ấn tượng nhất là mô hình tái hiện lễ hội múa cồng chiêng, trông giống như thật mà trên con thỉnh thoảng vẫn tổ chức” – em Hoàng Nghiệp nói.
Trong số hơn 100 học sinh có mặt tại Bảo tàng Quảng Nam sáng 17/11 hầu như ai cũng thích thú với các hiện vật và không gian trưng bày. Em Hồ Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Nước Oa cho hay, những tấm thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bào thiểu số miền núi đang trưng bày tại bảo tàng khiến em nhớ tới những tấm choàng ramoong của người Ca Dong quê em.
Thảo Nguyên chia sẻ: “Đây là lần thứ hai con tới Bảo tàng tỉnh nhưng lần nào cũng thấy đẹp. Nếu có dịp xuống Tam Kỳ con lại đến đây lần nữa”.
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh… mà còn là không gian của những trải nghiệm ký ức về một thời đã qua. Theo cô Huỳnh Thị Bích Lợi – giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Nước Oa, việc đưa học sinh đến bảo tàng là hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm giúp các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Quảng Nam, bồi dưỡng lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ tương lai.
Tôi và những học sinh của mình đã được nhìn thấy nhiều hình ảnh, tư liệu về lịch sử văn hóa, kiến trúc, làng nghề truyền thống quê hương Quảng Nam một cách toàn diện, đa dạng. Chuyến tham quan thật sự bổ ích cho công việc dạy và học của cô trò chúng tôi”
Cô Huỳnh Thị Bích Lợi – giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Nước Oa
Phát huy giá trị
Nằm tại địa chỉ 281 đường Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ), Bảo tàng Quảng Nam được đánh giá là địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn với hơn 30 nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Nam từ tiền sử đến hiện đại.
Ông Trần Văn Đức – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho biết, những năm gần đây bên cạnh công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm thu hút đông đảo khách tham quan.
Đặc biệt, trên cơ sở Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và văn bản của các ngành về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, Bảo tàng Quảng Nam chủ động liên hệ, tích cực phối hợp các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tổ chức 3 hoạt động tham quan, trải nghiệm với một số chủ đề như “Về miền ký ức”, “Em học làm khảo cổ”, “Vẽ mặt nạ tuồng và làm bánh bèo truyền thống”… Bảo tàng cũng nghiên cứu, xây dựng nhiều bài giảng, phối hợp Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) tổ chức học trực tiếp tại Bảo tàng về chủ đề “tìm hiểu, học tập lịch sử, văn hóa địa phương” cho học sinh khối 6, qua đó lan tỏa các giá trị di sản văn hóa đến với học sinh, thanh thiếu niên…
Thông qua các hình thức đổi mới trong hoạt động tham quan, trải nghiệm đã đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, người xem. Thống kê 10 tháng năm 2024, Bảo tàng Quảng Nam đã đón khoảng 6.240 lượt khách tham quan, học tập, nghiên cứu, bao gồm hơn 1.440 lượt khách tham gia hoạt động trải nghiệm; gần 660 giáo viên, học sinh tham gia tìm hiểu, học tập lịch sử văn hóa địa phương.
Bên cạnh các hoạt động hướng dẫn thuyết minh trực quan truyền thống, Bảo tàng Quảng Nam cũng đang xây dựng nội dung quét 3D hiện vật là bảo vật quốc gia và một số hiện vật tiêu biểu khác nhằm phát huy hơn nữa giá trị các hiện vật, tư liệu văn hóa, lịch sử gắn kết với cộng đồng địa phương, hướng tới mục tiêu chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sức sống bền vững cho di sản Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thu-hut-khach-den-bao-tang-quang-nam-3144470.html