Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên.
Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040ha thuộc địa bàn các huyện Núi Thành, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Định hướng không gian các khu chức năng của KKT được quy hoạch gồm khu công nghiệp (KCN), khu phi thuế quan, khu cảng và logistics, khu du lịch và dịch vụ tập trung, khu đô thị, trung tâm đào tạo…
Ông Nguyễn Hồng Quang – Trưởng ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam cho biết, với tính chất là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, KKT và KCN tỉnh là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đây là khu vực phát triển đô thị, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí – điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao, có hàm lượng chất xám cao.
Ngoài ra, đây cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai cùng hệ thống 2 cảng Chu Lai – Kỳ Hà…
Thời gian qua, Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh triển khai công tác quy hoạch, xây dựng; xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; thu hút đầu tư; cải cách hành chính, chuyển đổi số… đạt kết quả khá tích cực.
Năm 2023 và 10 tháng năm 2024, ban quản lý đã phê duyệt 34 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.267 tỷ đồng; trong đó có 13 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 192,24 triệu USD. Riêng 10 tháng năm 2024 phê duyệt 20 dự án với tổng vốn đăng ký 7.292 tỷ đồng; trong đó có 9 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 133,64 triệu USD. Thu ngân sách (thu nội địa) năm 2023 đạt 11.539 tỷ đồng; 9 tháng năm 2024 đạt 4.938 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 60 nghìn lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh cũng đối diện một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, tháo gỡ như: kết cấu hạ tầng các KCN chưa đồng bộ; thu hút vốn đầu tư còn thấp, chưa có nhiều dự án mới quy mô lớn, công nghệ tiên tiến; khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện một số quy hoạch trọng tâm còn chậm; các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được nhà đầu tư quan tâm; công tác phối hợp giữa ban quản lý và các sở, ban, ngành, địa phương về quản lý hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… còn hạn chế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, vùng Đông Quảng Nam với các KKT, KCN có vai trò rất lớn khi đóng góp 93% nguồn thu ngân sách địa phương, vì thế hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh cũng chính là góp phần vào sự phát triển thành công của tỉnh.
Do đó, thời gian tới ban quản lý tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm như: chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ cơ quan; tăng cường trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho ban quản lý, trước mắt khoanh vùng trong KKT mở (khu vực sân bay, khu phi thuế quan Tam Hòa, khu thương mại tự do, luồng Cửa Lở, KKT Nam Giang…); phát triển các khu đô thị thu hút dân cư; phối hợp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Rà soát lại quy hoạch, chú trọng chất lượng quy hoạch, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; quy hoạch các khu tái định cư gắn với tăng cường quản lý đất đai, chủ động tham mưu các chỉ tiêu đất nông nghiệp…
Tổng rà soát điều chỉnh lại hiệu quả sử dụng đất tại các KCN. Dự án nào treo, dự án nào nhận để đó cho thuê lại, không đúng tiến độ… thì kiên quyết đề xuất thu hồi bàn giao địa phương quy hoạch lại làm khu dân cư và để người dân thực hiện những quyền trên thửa đất của mình.
“Năm 2025, Đảng đoàn HĐND tỉnh phải đưa 2 nội dung gồm các dự án quy hoạch treo, kể cả trong và ngoài KCN và hiệu quả đầu tư dự án tại các KCN vào giám sát và báo cáo kết quả giám sát cho Thường trực Tỉnh ủy” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhằm nâng cao hiệu quả, Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh phải đón đầu xu hướng nhà đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, muốn vậy phải có sản phẩm tốt (quỹ đất, hạ tầng, lao động…). Đồng thời làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công; chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính; tập trung xử lý cụ thể những kiến nghị của doanh nghiệp…
Đặc biệt, UBND tỉnh cần quan tâm đầy đủ, đúng mức hơn đối với các hoạt động của ban quản lý; ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng kết cấu KCN. Tập trung hoàn thành sớm các đề án về Trung tâm công nghiệp, dịch vụ; Trung tâm công nghiệp chế biến sâu silica; đề án cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ. Tập trung đầu tư các khu tái định cư. Tập trung làm khu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể, đặc biệt đẩy mạnh phê duyệt giá đất cụ thể tại các dự án hiện nay…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thao-go-kho-khan-cho-ban-quan-ly-cac-khu-kinh-te-va-khu-cong-nghiep-tinh-quang-nam-3144312.html