Cách đây tròn 60 năm, vào lúc 13h30 ngày 7/11/1964, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Nam Tam Kỳ, lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với nhân dân Kỳ Xuân tấn công và nổi dậy giải phóng toàn bộ xã Kỳ Xuân. Sự kiện này đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự chuyển mình của phong trào cách mạng tại địa phương, đồng thời giáng một đòn bất ngờ ở vùng địch cho là hậu cứ an toàn của chúng.
Tối ngày 7/11/1964, xã Kỳ Xuân tổ chức cuộc mít tinh với hàng nghìn quần chúng đến dự vui mừng thắng lợi. Tại cuộc mít tinh, cách mạng công bố lệnh xóa bỏ chế độ ngụy quân, ngụy quyền do địch lập ra; tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân do đồng chí Trần Kịch làm chủ tịch, ra mắt trung đội du kích, kêu gọi nhân dân đoàn kết xây dựng chế độ mới, đồng thời xây dựng làng xã chiến đấu, kết hợp với lực lượng vũ trang đấu tranh chống địch phản kích để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, người dân Kỳ Xuân không những bám trụ giữ làng, nuôi giấu cán bộ cách mạng và bộ đội, bảo vệ các cơ quan quan trọng của tỉnh và các vị lãnh đạo như đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công), Nguyễn Sắc Kim… mà còn có hơn 200 cán bộ thoát ly và 804 thanh niên gia nhập bộ đội chiến đấu trên khắp các chiến trường; đồng thời đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm, tiền của cho kháng chiến.
Địa phương được Đảng và Nhà nước công nhận 497 liệt sĩ, 86 thương bệnh binh, 1.127 gia đình và cá nhân có công với cách mạng, 75 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 8 “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 1.538 cá nhân, gia đình và tập thể được tặng thưởng huân chương, huy chương, kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”…
Đặc biệt, ngày 30/8/1995, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sáu mươi năm kể từ ngày giải phóng, xã Tam Giang không ngừng phát triển. Trục đường chính ĐH4 dài 3,7km, rộng 10,5m được thảm nhựa; hệ thống kênh mương chính N54 và N54-1 dẫn nước từ hồ Thái Xuân vượt sông Trường Giang đưa nước ngọt về tưới tiêu cho các cánh đồng đem đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp hồi sinh…
Đến nay, tổng số tàu thuyền khai thác xa bờ là 44 chiếc với tổng công suất 42.500CV; tổng sản lượng đánh bắt tăng từ 200 tấn năm 1976 lên 11.516 tấn năm 2023; giá trị sản xuất tăng từ 86 tỷ đồng năm 2009 lên 455,2 tỷ đồng năm 2023, giải quyết công ăn việc làm cho gần 1.800 lao động trong và ngoài xã. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 166 héc ta, năm 2023 sản lượng nuôi trồng đạt 1.150 tấn, giá trị ước đạt 187 tỷ đồng.
Văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh có nhiều chuyển biến tích cực. Xã Tam Giang được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017 và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-niem-60-nam-ngay-giai-phong-xa-ky-xuan-xa-tam-giang-3144066.html