Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho biết, quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, vì vậy hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.
Đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo.
Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cơ bản thống nhất với những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo lần này. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo mà dự thảo luật chưa đề cập tới để kịp thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn quản lý nhà nước thời gian qua.
Cụ thể, đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 15 quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thể hiện “Khi quảng cáo trên mạng xã hội cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường”.
Đồng thời, bổ sung một khoản vào Điều 23 quy định về quảng cáo trên mạng “Người sử dụng mạng xã hội phải đưa ra tuyên bố hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ”.
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, các quy định nêu trên quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và quy định về quảng cáo trên mạng có nội dung tương đối trùng lặp. Do đó đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung tại các khoản này theo hướng lược bỏ bớt hoặc theo cách dẫn chiếu áp dụng, thực hiện. Đồng thời đề nghị quy định thống nhất việc “tự đưa ra dấu hiệu” hay “đưa ra tuyên bố” đối với việc quảng cáo trên mạng xã hội nhằm thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tại khoản 5 Điều 15a nêu: “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm bổ sung là những sản phẩm mà người sử dụng phải có một thời gian sử dụng nhất định mới có thể đưa ra được ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm một cách thực tế và khách quan.
Do đó, việc chỉ quy định “người đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” mà không quy định cụ thể thời gian sử dụng trực tiếp trong bao lâu để có ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định và áp dụng pháp luật theo tinh thần của điều luật trên thực tế. Đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung quy định này.
Khoản 4 Điều 23 sửa đổi quy định quyền của người quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo khi giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo: “Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ”.
Như vậy, tại tiêu đề khoản 4 nêu về quyền của 3 chủ thể bao gồm: người quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Tuy nhiên, trong nội dung quy định nêu trên chỉ quy định về quyền của 2 chủ thể là người phát hành quảng cáo, người quảng cáo mà chưa bao gồm cả chủ thể thứ ba là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điều này.
Về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước, tại khoản 6 Điều 23 có nội dung quy định “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nghĩa vụ thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. Sau thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật”.
Đại biểu cho rằng, tiêu đề tại điểm a khoản 6 quy định đối với các tổ chức, cá nhân trong nước nhưng nội dung lại thể hiện quy định điều chỉnh đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, đề nghị xem xét điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.
Khoản 6 Điều 23 quy định “Đối với hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”. Đại biểu cho rằng điều luật mới chỉ quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương mà chưa quy định về cơ quan có trách nhiệm xác định quảng cáo vi phạm pháp luật như cách đã quy định đối với cá nhân, tổ chức trong nước.
Ngoài ra, cũng tại điểm khoản 6 Điều 23 sửa đổi chưa quy định cụ thể về thời hạn phải xử lý những quảng cáo vi phạm tương tự như đối với cá nhân, tổ chức trong nước.
Do vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm xác định quảng cáo vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước cũng như thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-quang-nam-gop-y-ve-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-quang-cao-3143960.html