Những tín hiệu khả quan
Các con số thống kê đều cho thấy bức tranh kinh tế – xã hội Quảng Nam 10 tháng qua khá lạc quan. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng tăng 17,5%).
Nhiều doanh nghiệp may mặc lớn nhận đơn hàng xuất khẩu tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng lao động gia tăng (tăng 1,7% so tháng trước và tăng 50,1% so cùng kỳ năm ngoái).
Dịch vụ lữ hành bứt tốc với mức tăng trưởng cao nhất (60,4%); dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng 12%. Doanh thu từ vận tải gia tăng nhiều so cùng kỳ năm trước (hơn 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7%).
Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Thời tiết tốt, cây trồng sinh trưởng, phát triển, mang lại năng suất cao. Diện tích lúa, hoa màu, tổng đàn gia súc, gia cầm, diện tích rừng trồng hay sản lượng khai thác gỗ, trồng cây phân tán đều gia tăng hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng sản lượng khai thác thủy sản giảm 0,4% hay diện tích nuôi trồng thủy sản giảm 36% do diễn biến thời tiết bất lợi.
Thu ngân sách nhà nước cũng đã đạt 68%. Xuất khẩu chiếm thế thượng phong khi tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt đến gần 249,5 triệu USD (tăng 50,83% so cùng kỳ). Lượng vốn huy động và dư nợ cho vay của các tín dụng đều gia tăng, cho thấy nền kinh tế vẫn còn đầy tiềm lực và vốn đổ vào thị trường hiệu quả.
Các cuộc kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư đã đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có tiến triển rõ rệt (49% tính đến ngày 31/10/2024). Doanh nghiệp tái gia nhập thị trường có xu hướng gia tăng và thu hút thêm nhiều dự án đầu tư (29 dự án đầu tư nội địa và 10 dự án FDI).
Ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói kết quả kinh tế – xã hội nhiều điểm sáng, dự báo kết quả tốt đẹp cho năm 2024. Chính quyền cần chuẩn bị hoàn tất các báo cáo, vấn đề, rà soát kỹ lưỡng các nội dung để “xử lý” ngay trong kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay. Những nghị quyết nào không hiệu quả thì khép lại, kết thúc để mở ra giai đoạn mới.
Không chỉ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế, ngành xã hội cũng đạt được những kết quả đáng kích lệ. Ngành y tế, các địa phương đã xử lý, phòng chống hiệu quả một số bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chung chung mà phải tính toán hỗ trợ, tháo gỡ cho từng doanh nghiệp, từng dự án cụ thể. Tính toán kế hoạch sử dụng đất năm 2025 ngay từ đầu năm, dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn… Cả nền kinh tế đang trông đợi hoàn chỉnh các văn bản về đất đai, nhất là quy định bồi thường, giải phóng mặt bằng (có hiệu lực từ ngày 10/11/2024), nên trước ngày 15/11/2024 phải mở tập huấn cụ thể. Và trước 20/12/2024 phải xong bảng giá đất để thúc đẩy các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế ngành đã chủ động, sẽ không còn tình trạng thiếu vật tư y tế và thuốc cho các cơ sở y tế. Lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tăng 3,8% (220 nghìn người tham gia), bảo hiểm y tế tăng 2,1% (gần 1,5 triệu người).
Ngay trong tháng 10 vừa qua, tỉnh đã đưa 238 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nâng tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ đầu năm đến nay lên 1.327 người)…
Theo ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở KH&ĐT, kinh tế – xã hội địa phương có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, ngành dịch vụ tăng khá, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều giảm về số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn đang ở mức cao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Cần phải tìm ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của địa phương trong hai tháng còn lại của năm 2024.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các dự án của THACO và cho các doanh nghiệp. Không thể nói cải thiện môi trường đầu tư mà không giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp là không ổn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm 2024. Khó có thể dự đoán thiên tai sẽ diễn ra và tác động như thế nào đến đời sống. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tổng rà soát lại các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
“Các chỉ tiêu nào thấp phải nỗ lực tối đa đôn đốc, chỉ đạo, kiên quyết, cụ thể hơn để thực hiện cho đạt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2024 đã đề ra với mức cao nhất” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Không còn thời gian để trì hoãn việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải ngân và các phần việc chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm và các kế hoạch để mở đường cho năm 2025. Chính quyền tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Các sở, ngành, địa phương tùy theo chức trách của mình thực hiện việc chuẩn bị chất lượng, sâu sát, hiệu quả… các nội dung trình HĐND tỉnh. Những khó khăn của doanh nghiệp cần phải được giải quyết.
Tất cả phải hướng đến nhanh nhất việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây rườm rà, phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Sự vào cuộc này phải gắn đến việc tháo gỡ trực tiếp cho từng doanh nghiệp, từng dự án, không chỉ là lời nói chung chung mà phải bằng hành động cụ thể.
Các sở chuyên ngành phối hợp hoàn thiện các quy hoạch vùng, phân khu, đô thị, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch, tổng rà soát các dự án, cương quyết thu hồi các dự án không thực hiện hoặc thiếu hiệu quả để chống lãng phí nguồn lực địa phương.
Áp lực tài chính cuối năm rất lớn nên các sở, ngành chủ quản cần tăng cường thu đủ, thu đúng ngân sách nhưng cần nuôi dưỡng nguồn thu và điều hành cân đối ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm các vấn đề phục vụ cho người dân, nhất là các tháng cuối năm.
Khó khăn nhất cần được tháo gỡ để nền kinh tế vận hành suôn sẻ là hoàn thành các dự án bất động sản, xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể và quy trình, trình tự thủ tục liên quan đến các dự án trên địa bàn.
Hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, kết nối cung cầu sẽ phải được mở rộng, đáp ứng đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm cho mùa mưa lũ và Tết Nguyên đán sắp đến.
Bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ, không thể để gián đoạn giao thông, chia cắt, hạn chế thấp nhất đến việc cô lập các vùng đất vì thiên tai. Kể cả tính toán cụ thể đến việc phân luồng có xác thực, đúng hay không khi dự định cấm giao thông cả hai cầu Câu Lâu khi đồng loạt sửa chữa.
Mùa mưa bão đã đến. Mọi nỗ lực, thành quả phát triển kinh tế – xã hội sẽ “đổ sông đổ biển” nếu gặp sự cố về thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, nhất là ngành NN&PTNT, bộ đội, biên phòng… quyết liệt, chủ động ứng phó phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác… để bảo vệ thành quả của nền kinh tế địa phương và bảo đảm an sinh cho người dân.
“Quá nhiều công việc phải thực hiện trong hai tháng cuối năm. Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện đạt kết quả tốt, hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 để làm tiền đề thực hiện cho năm 2025 tốt hơn, hiệu quả hơn” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quyet-tam-hoan-thanh-chi-tieu-nam-2024-quang-nam-doc-suc-cho-chang-nuoc-rut-3143816.html