Sông Đầm là hồ điều hòa lớn nhất TP Tam Kỳ, có hệ sinh thái đất ngập nước với hơn 500 loài động thực vật sinh sống.
Sông Đầm rộng 200ha, mực nước sâu trung bình 1,6m. Lưu vực xung quanh sông rộng khoảng 650ha, cách trung tâm TP Tam Kỳ 3km về phía đông bắc. Sông có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú, đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ.
Nơi đây gắn với quần thể di tích địa đạo Kỳ Anh – Bãi Sậy sông Đầm, được Quảng Nam quy hoạch như một công viên lớn. Tỉnh đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế, trong nước nghiên cứu, phát triển phục hồi hệ sinh thái sông với mục tiêu là sông được bảo tồn nguyên trạng, trở thành lá phối xanh của đô thị Tam Kỳ.
Sông Đầm thông với sông Bàn Thạch, là hồ điều hòa lớn nhất thành phố, mùa lũ chứa nước, mùa nắng nóng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Mỗi ngày khi thủy triều lên xuống, dòng nước trong sông sẽ thay đổi.
Thời chiến tranh, đây là vùng đầm hoang vu đầy lau lách và cây sậy, chở che cho quân dân kháng chiến. Chiến tranh kết thúc, người dân khai phá đầm để trồng lúa, hoa màu nên cây lau lách, sậy bị thu hẹp. Hệ đang dạng sinh học chỉ còn nơi ngập nước, cỏ lác mọc um tùm.
Những cây dừa nước được trồng theo hàng, đã hai năm tuổi, với bèo phủ kín mặt nước.
Thời gian qua, thành phố đã bố trí 8,9 tỷ đồng từ ngân sách để trồng cây, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm trên diện tích 22 ha, gồm nhiều chủng loại bản địa như lộc vừng, tre đồng, sậy, dừa nước. Người dân cam kết kết bảo vệ, phục hồi để hệ sinh thái sông Đầm phong phú hơn.
Ghe thuyền di chuyển qua thảm bèo phủ kín giống như miền Tây thu nhỏ.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho thấy sông Đầm có 81 loài động vật có xương sống thuộc 53 họ và 20 bộ. Tại đây cũng có 33 loài cá khác nhau thuộc 21 họ, 11 bộ và một loài lươn đồng; 16 loài bò sát, ếch nhái. Động vật không xương sống ghi nhận 214 loài và côn trùng 211 loài. Thực vật bậc cao có 170 loài thuộc 74 họ.
Cơ quan nghiên cứu cho biết tại sông Đầm có 31 loài chim, trong đó có cò ốc nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Tháng 7/2020, khoảng 4.000 con cò ốc di cư về sông Đầm kiếm thức ăn. Sau khi săn mồi no nê, cò ốc bay đi tìm nơi trú ngụ, sáng hôm sau quay lại. Loài chim quý hiếm này sinh sống ở sông Đầm khoảng 3 tháng rồi di chuyển, chưa trở lại trong ba năm qua.
Những con chim choắt lớn di cư đến sông Đầm săn mồi và trú ngụ trong lau sậy. Sông có nhiều cá tôm, ốc nên mỗi ngày, hàng nghìn con cò cũng đến kiếm ăn.
Tháng 4/2023, cơ quan chức năng đã thả 30.000 cá chép, trắm, trôi nhằm tái tạo, làm phong phú hơn nữa hệ sinh thái.
Do có nhiều cá, tôm sinh sống nên người dân dùng cây làm hàng trăm chiếc chuôm để dụ cá đến ở. Mỗi chuôm rộng 20m2, được cắm cọc xung quanh, bên ngoài có hàng rào ngăn bèo, rác thải tấp vào.
Những ngày thủy triều xuống, người dân mang lưới vây quanh chuôm rồi dỡ cọc bắt cá chép, nheo, tràu, lát, diếc, rô phi, tôm càng xanh… Mỗi chuôm có ít nhất 50 kg cá, khoảng 2 tháng bắt một lần. Sông Đầm là nơi nuôi sống nhiều gia đình với nghề đánh bắt thủy sản.
Mỗi năm, chính quyền địa phương hỗ trợ 15 hộ dân trồng 20 ha sen tạo cảnh quan. Ngoài thu hoạch hạt, đầm sen còn phục vụ du khách tham quan.
Gần đây, nhiều du khách đến tham quan sông Đầm, di chuyển bằng ghe trên mặt sông phủ kín bèo, ngắm những đàn chim kiếm ăn trên sông.
Đàn vịt trời bay lượn trên sông Đầm mỗi buổi chiều.
TP Tam Kỳ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch.
Thành phố đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái khu vực sông Đầm, thực hiện trong năm 2024. Ngoài đầu tư hạ tầng, TP Tam Kỳ đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại khu vực hồ sông Đầm với quy mô 6 ha.
Phối cảnh các hạng mục đầu tư sông Đầm. Dự kiến, đây là nơi lưu giữ các sinh vật cảnh thiên nhiên trong khu vực sông và tỉnh Quảng Nam. Chính quyền Tam Kỳ cũng muốn UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ trình Chính phủ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm.
Đắc Thành (Vnexpress)