Cung đường mộng mơ
Đà Lạt, trong căn nhà nhìn ra đồi, sau nhà, những bông hoa dã quỳ bung nở, điểm xuyến sắc vàng rực trên nền taluy xây bằng đá bàng bạc. Khung cảnh đẹp đến nao lòng khiến chúng tôi chợt nhận ra bây giờ đã vào cuối tháng Mười, trời chớm đông lành lạnh.
Có hai cô gái du khách hỏi thăm đường đến trảng hoa dã quỳ ở Bồng Lai – Tu Tra. Cô nhất định phải chạy xe mấy chục cây số để chụp hình với hoa dã quỳ.
Thực ra đã đến Tây Nguyên mùa này, chẳng cần đi đâu xa nếu muốn ngắm hoa dã quỳ. Giống hoa mọc dại có sức sống mãnh liệt ấy nở vàng rực ngay bên đường, ga Đà Lạt, dưới những đồi thông, ở một bãi đất trống…
Nhưng được lòng du khách nhất có lẽ là những cung đường uốn lượn rực sắc hoa vàng nằm ngoài ngoại ô như Trại Mát – Cầu Đất, Cam Ly – Vạn Thành, Bồng Lai – Tu Tra, cung đường qua Dinh 3 – hồ Tuyền Lâm, đoạn đường Nguyễn Tri Phương nối dài ở Bảo Lộc…
Mùa hoa dã quỳ kéo dài khoảng một tháng, khi những bông hoa cuối cùng tàn lụi là lúc mai anh đào trút lá, tất cả nhựa sống tập trung nuôi dưỡng mầm hoa. Có lần, một người chị ở Hà Nội cắc cớ: “Mai là mai, đào là đào, hoa gì mà có cả mai cả đào?”.
Vâng, mời chị vào Đà Lạt mùa tết để thấy loài hoa có năm cánh như bông hoa mai và màu hồng rạng rỡ như hoa đào, nhưng không nở đơn độc từng bông. Tôi vẫn gọi hoa mai anh đào đẹp hơn nhờ “sự đoàn kết”. Khi trời chuyển mình sang xuân, những chùm hoa bắt đầu bung nở, hồng rực cả một góc trời.
Ở Đà Lạt, chỉ cần đi dạo dọc hồ Xuân Hương, đường Trần Hưng Đạo, Trần Quý Cáp, dốc Đa Quy, hồ Tuyền Lâm, đường vào Trại Mát… là bắt gặp những chiếc cây màu hồng đẹp tuyệt ấy. Với người Đà Lạt, mai anh đào báo hiệu mùa xuân. Và năm nào hoa nở muộn là biết năm ấy mùa đông lạnh buốt sẽ kéo dài.
Với người Bảo Lộc, loài hoa của mùa xuân lại là kèn hồng với sắc màu hồng phấn đẹp miên man. Người đi đường đôi khi thẫn thờ, phải dừng lại bởi những cây độc sắc hồng, trơ trụi lá khi đi ngang qua đường Trần Phú – quốc lộ 20, bờ hồ Bảo Lộc, đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Công Trứ, Lý Thường Kiệt, Bùi Thị Xuân…
Loài cây được thành phố trồng thử nghiệm từ năm 2010 và vô tình được lòng người Bảo Lộc và những du khách phương xa. Hoa kèn hồng có hình chuông, nở thành chùm lớn, mỗi khi có cơn gió đi ngang qua, cánh hoa rơi rụng, bâng khuâng nhuộm hồng cả góc đường.
Màu hoa thương nhớ
Ở xứ hoa, đến những loài hoa cũng biết cách nhường nhịn, thay phiên nhau khoe sắc. Khi sắc hồng của mai anh đào, của kèn hồng lụi tàn, vào khoảng tháng Ba tháng Tư, trời ấm hơn, đám phượng tím ở ấp Ánh Sáng, bên hồ Xuân Hương, dọc đường Trần Phú, Yersin, hồ Tuyền Lâm Đà Lạt… bắt đầu trổ bông tím biếc, nổi bật trên nền trời xanh ngắt.
Sắc tím khiến Đà Lạt thêm phần hoài cổ, mơ màng, chút man mác buồn. Bởi thế mà chính quyền thành phố lấy tên loài hoa này đặt cho một con đường lớn chạy dọc hồ Tuyền Lâm – đường Phượng Tím.
Cũng thời điểm này, khắp các tỉnh của Tây Nguyên, Di Linh, Bảo Lộc, Cầu Đất – Đà Lạt của Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông… một mùi thơm dìu dịu ngọt ngào lan tỏa trong không khí làm dễ chịu phần nào cái nắng mùa hạ oi ả. Đó là khi sắc trắng muốt của hoa cà phê bung nở, những đồi hoa trắng cứ nối nhau bất tận.
Với người Tây Nguyên, mùa hoa cà phê luôn mang theo rất nhiều mong đợi. Đó là mùa của những người nuôi ong được bội thu mật, mùa người nông dân ra sức tưới tắm, chăm sóc vườn cà phê và chờ đợi chúng kết trái.
Những đồi hoa như tuyết trắng, tinh khôi ấy là niềm hy vọng cơm áo của bao gia đình nông dân ở thủ phủ cà phê, sự chờ đợi của du khách phương xa muốn một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đồng nội diệu kỳ.
Thực ra, chúng tôi – người sống cùng những mùa hoa thường quên chụp ảnh với hoa. Thậm chí thế hệ cha mẹ tôi nửa cuộc đời sống ở Lâm Đồng nhưng chẳng có tấm nào chụp chung với hoa dã quỳ, phượng tím, cà phê cả…
Mẹ bảo, vì cuộc sống vốn tất bật và những mùa hoa cứ đến, tự nhiên và nhẹ nhàng như thời gian. Thời gian vô hình trôi qua khung cửa sổ, nhắm mở mắt, ngước lên đã thấy trên đầu mình lơ lửng một màu hoa.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/check-in-theo-nhung-mua-hoa-3143616.html