Trong quá trình khảo sát các di tích, địa điểm khảo cổ ở Quảng Nam, chúng tôi đã sử dụng phương pháp khảo sát thực địa kết hợp sử dụng phần mềm định vị GPS/GIS để thu thập dữ liệu thực địa.
Quy luật phân bố di tích
Theo quy luật đó, khi điều tra, khảo sát, kiểm tra các vị trí khúc cua dọc theo nhánh sông chính và các chi lưu ở khu vực miền núi Quảng Nam, chúng tôi đã phát hiện được nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh mới.
Tại huyện Bắc Trà My, trước đây, trong đợt khảo sát năm 2001 của đoàn khảo cổ do GS. Mariko Yamagata, Bùi Chí Hoàng và các nhà khảo cổ khác đã phát hiện 2 địa điểm văn hóa Sa Huỳnh ở ngầm sông Trường là tổ Trấn Dương và tổ Mậu Long.
Tại đây, khi quan sát một khu vực sạt lở, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một đáy chum, trong đó có 1 con dao sắt và một số mảnh gốm văn hóa Sa Huỳnh. Vùng phân bố di tích dọc theo ngầm sông Trường có chiều dài chừng 100m.
Trong đợt khảo sát năm 2024, chúng tôi phát hiện thêm 2 địa điểm có dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Tại một gò đất cao, khá bằng phẳng, trải dài khoảng 500m, bên sông Trường, tên là Bãi Dài, thuộc thôn Long Sơn, Trà Sơn, Bắc Trà My, người dân cho biết, trước đây khi làm đất trồng hoa màu, họ phát hiện rất nhiều chum nồi, mảnh vỡ nổi dày.
Sau các đợt lũ rút, tại khu vực này cũng có rất nhiều chum gốm lớn bị vỡ, phát lộ trên bề mặt gò. Tuy nhiên, do không rõ về giá trị của những mộ chum này nên họ cũng không đào xới. Tại phần đất còn lại đang trồng hoa màu, chúng tôi vẫn tìm thấy nhiều mảnh gốm Sa Huỳnh vỡ nhỏ.
Địa điểm thứ 2 nằm hai bên khu vực cầu Nước Oa đoạn bắc qua sông Trường. Ở những khu đất bằng phẳng được sử dụng để trồng các loại hoa màu, chúng tôi đã phát hiện một số mảnh đồ đựng gốm Sa Huỳnh.
Thêm những phát hiện mới
Huyện Phước Sơn trước đây chưa tìm thấy bất kỳ dấu tích địa điểm khảo cổ nào. Tuy nhiên, mới đây, tại một bãi bồi ven sông ở khu vực thôn 2, xã Phước Hiệp, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều mảnh đồ đựng gốm Sa Huỳnh.
Ngoài ra, theo lời kể của bà Hồ Thị Phiên tại khu vực thôn 5, Bà Xá cách đây vài năm, khi đi hái rau dớn, bà phát hiện một chum gốm cao khoảng 1m, bị sạt ngay bên đường mòn trong rừng ở khu đồi ông Chờ. Tuy nhiên, sau đó chum gốm này bị người dân đào mất nên không rõ trong chum có gì.
Xuôi theo dòng sông Trà, trên địa bàn huyện Hiệp Đức trước đây, chúng tôi từng phát hiện trống đồng tại địa điểm khe Lành Anh (nay thuộc xã sông Trà, trước đây thuộc thôn 1B, xã Phước Trà nên thường gọi là trống đồng Phước Trà). Khu vườn này hiện được trồng keo, cũng rất có tiềm năng trong việc khai quật khảo cổ để tìm hiểu thêm về văn hóa Sa Huỳnh ở miền núi Quảng Nam.
Ở đoạn dưới của sông Trà khu vực sông Trường nơi giao giữa sông Trà và sông Tranh, ở các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, thị trấn Tân Bình của huyện Hiệp Đức, trong quá trình khảo sát dọc sông đã phát hiện thêm 14 địa điểm mới có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh.
Để kiểm chứng thêm, tháng 5, 6/2024, Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành thăm dò khảo cổ địa điểm Thổ Chùa ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Kết quả đào thăm dò 21m2 đã xuất lộ dấu tích của 1 mộ đất, 1 mộ vò và 2 ngôi mộ chum với nhiều đồ tùy táng cùng các dấu vết di chỉ cư trú.
Ở huyện Đông Giang, lần đầu tiên dấu tích văn hóa Sa Huỳnh cũng được ghi nhận ở dải đất bên cạnh một nhánh thượng nguồn sông Vu Gia. Dòng sông ở khu vực này có tên gọi là sông Pa Con, thuộc thôn Chờ Nét, xã A Ting.
Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 20 năm, khi canh tác ở một thửa đất bên cạnh sông Pa Con, người dân đã phát hiện một khu vực có rất nhiều chum gốm, trong chum chứa nhiều hạt mã não. Do mã não là đồ trang sức được yêu thích của đồng bào Cơ Tu nên những người dân ở đây đã đào phá rất nhiều chum gốm.
Tiềm năng cho nghiên cứu mới
Cho đến nay, hầu hết địa điểm văn hóa Sa Huỳnh ở thượng nguồn sông Thu Bồn và các nhánh sông Vu Gia chưa được khai quật, nghiên cứu khảo cổ một cách đầy đủ và toàn diện.
Tuy nhiên, các dấu vết văn hóa Sa Huỳnh đã phát hiện cho thấy mật độ phân bố địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh ở miền núi Quảng Nam khá đậm đặc, tập trung vào các gò đất, bãi đất bằng phẳng dọc hai bờ sông.
Phổ biến ở các địa điểm này, người dân phát hiện các loại chum lớn hình trụ, trong chum có nhiều đồ đồng, đồ sắt và các loại đồ trang sức đá mã não, thủy tinh, đất nung…
Kết quả nghiên cứu này vừa góp phần bổ sung những nhận thức mới cho văn hóa Sa Huỳnh, đồng thời phản ánh một phần về tư duy, quan niệm của cư dân cổ trong việc lựa chọn khu vực cư trú và chôn các khu mộ táng.
Có thể họ dùng khúc cua các dòng chảy sông như một cách đánh dấu cho vị trí chôn cất của các khu mộ táng. Ở lưu vực các dòng sông với những thuận lợi điều kiện địa lý tự nhiên đã thu hút quá trình tụ cư, sinh sống của các lớp cư dân cổ.
Phát hiện về quy luật phân bố cũng như những địa điểm khảo cổ mới này sẽ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh trong tương lai ở Quảng Nam nói riêng và dải đất miền Trung Việt Nam nói chung.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tu-dia-van-hoa-nghi-ve-sa-huynh-3143358.html