Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng dự thảo luật đã kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động công chứng phù hợp với tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, góp phần bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bền vững, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện.
Dự thảo luật quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên tối đa 70 tuổi. Theo quan điểm của đại biểu Dương Văn Phước, nếu giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ vênh với hệ thống pháp luật về độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như: luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên… là những người làm nghề tư pháp nhưng không giới hạn độ tuổi hành nghề.
Bên cạnh đó, công chứng viên đều khám sức khỏe hằng năm, nếu không đảm bảo điều kiện sức khỏe thì sẽ bị miễn nhiệm theo quy định tại Điều 14 dự thảo luật. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo xem xét không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên để không lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của công chứng viên là thành viên hợp danh góp vốn thành lập văn phòng công chứng.
Nhằm bảo đảm tính ổn định của tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm hành nghề công chứng và một số việc chứng thực theo quy định.
Đồng thời, để đảm bảo tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng. Với yêu cầu này, mô hình doanh nghiệp tư nhân do một công chứng viên làm chủ sẽ khó đáp ứng được, nhất là trường hợp xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động công chứng liên tục, ổn định.
Ngoài ra, việc giải quyết hậu quả về văn bản công chứng đối với các văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân khi chấm dứt hoạt động sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Với lý do đó, tại Điều 20 đại biểu đề xuất chọn Phương án 2, quy định văn phòng công chứng chỉ được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, không cho phép văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân kể cả trường hợp các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lậpvăn phòng công chứng.
Điều 20 dự thảo luật quy định “Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của văn phòng công chứng”, đại biểu đề nghị xem xét, bỏ nội dung quy định “các thành viên hợp danh phải là công chứng viên” tại điều này, vì theo dự thảo luật quy định thì không có trường hợp nào thành viên hợp danh của văn phòng công chứng không phải là công chứng viên.
Về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Điều 37 dự thảo luật quy định “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của mình gây ra trong quá trình công chứng” là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, văn phòng công chứng là tổ chức do ít nhất hai thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung và đảm bảo chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của văn phòng công chứng.
Khác với các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình trong công ty, nhưng đối với công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty.
Hơn nữa, về bản chất thì các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm trực tiếp về các nghĩa vụ của công ty, tài sản của công ty cũng thuộc quyền quyết định của các thành viên hợp danh. Do đó, đối với công ty hợp danh thì việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của các thành viên hợp danh là hợp lý, công ty chỉ là làm nhiệm vụ đại diện để bồi thường.
Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 37 quy định “Tổ chức hành nghề công chứng đại diện cho các công chứng viên hợp danh bồi thường thiệt hại cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng do lỗi của công chứng viên, nhân viên của mình gây ra trong quá trình công chứng”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/de-xuat-khong-gioi-han-do-tuoi-hanh-nghe-cong-chung-vien-3143292.html