Nhiều phần việc “cần làm ngay”
Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030 (gọi tắt là kế hoạch) ra đời là sự bắt nhịp để đón đầu các cơ hội đã và đang mở ra ở lĩnh vực này.
Theo danh mục các nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch, ngay trong năm 2025 ngành du lịch địa phương sẽ đồng loạt triển khai nhiều phần việc quan trọng, nếu cụ thể hóa được cho là tạo đòn bẩy lớn để du lịch đột phá.
Đáng chú ý nhất là việc xây dựng Nghị quyết về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để thay Nghị quyết số 08 được Tỉnh ủy ban hành vào năm 2016.
Cũng theo kế hoạch, Sở VH-TT&DL sẽ đồng loạt triển khai xây dựng 3 nội dung quan trọng trong năm tới gồm: Xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch xanh, bền vững; xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; xây dựng cơ chế thí điểm hỗ trợ thu hút đoàn khách du lịch MICE (khách hội nghị/hội thảo) và đoàn khách nước ngoài tổ chức đám cưới tại Quảng Nam.
Có thể thấy, đây đều là những loại hình du lịch đang có bước tiến triển lớn, dần trở thành xu hướng nên cơ quan quản lý sớm vào cuộc để nắm bắt thời cơ.
Nhất là khi thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp chuyển động theo hướng du lịch xanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở dạng khuyến khích còn Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng từng được bàn thảo vào năm 2020 nhưng cuối cùng bị bỏ ngỏ vì nhiều lý do.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, năm 2025 là năm đầu triển khai ngân sách giai đoạn đến năm 2030 nên cần đẩy mạnh tham mưu cơ chế chính sách cho cả giai đoạn.
“Trong các văn bản quy hoạch ngành du lịch của Trung ương thì Quảng Nam được xác định là tỉnh cần tập trung đẩy mạnh phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực du lịch không còn chính sách hỗ trợ nào từ nghị quyết của HĐND tỉnh trong khi du lịch Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa phát huy được.
Do đó, ngành du lịch Quảng Nam rất cần những cơ chế chính sách để tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian đến” – ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Liên ngành cùng vào cuộc
Cũng theo kế hoạch phát triển sản phẩm ngành du lịch Quảng Nam, nhiều nhiệm vụ sẽ cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các bên liên quan thì mới có tính khả thi cao.
Các phần việc này chủ yếu nằm ở lĩnh vực đầu tư, huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Một số nội dung quan trọng tác động lớn đến sự phát triển của ngành du lịch có thể kể đến như: Đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, Thu Bồn, khai thác vận tải đường thủy nội địa kết nối với các khu, điểm du lịch.
Đầu tư nâng cấp hệ thống ga, tuyến đường sắt kết nối với mạng lưới đường sắt của các tỉnh, thành phố phát triển du lịch (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…) thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai thành Cảng hàng không quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đối với đồng bào dân tộc tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng…
Hầu hết nhiệm vụ trên đều thể hiện thời gian hoàn thành vào năm 2030, tức cuối kỳ kế hoạch, phản ánh khả năng hiện thực hóa các nhiệm vụ cũng chưa cao. Trong khi việc hiện này thúc đẩy du lịch đường sắt, đường sông, đường hàng không là cấp thiết để cải thiện năng lực tự chủ đón khách của điểm đến.
Ông Trương Nam Thắng – Chuyên gia cao cấp về marketing và chính sách du lịch của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ cho biết: “Một số nhóm chỉ số mà Quảng Nam bị đánh giá thấp trong Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam 2023 nằm ngoài khả năng cải thiện của Sở VH-TT&DL vì ít liên quan đến chức năng ngành du lịch. Do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên nhiều nhiệm vụ rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh cho các cơ quan liên quan thì mới có thể giúp du lịch đột phá”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ke-hoach-phat-trien-san-pham-du-lich-quang-nam-den-nam-2030-nhung-diem-nhan-dang-cho-doi-3143064.html