Ngổn ngang đô thị mới
Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) hiện là đô thị mới đúng nghĩa duy nhất trên địa bàn tỉnh. Nhưng trải qua khoảng 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, nhưng hiện tại, Điện Nam – Điện Ngọc vẫn lúng túng trong việc hoàn thiện hạ tầng khung và diện mạo đô thị.
Chỉ từ tháng 6/2024 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh tiến độ thực hiện kèm theo “tối hậu thư” cho hơn 10 dự án khu đô thị chậm tiến độ thuộc khu vực này. Bên cạnh đó, cũng còn hàng chục dự án khác triển khai cầm chừng, bỏ ngỏ “số phận” cho thời gian.
Các đô thị mới là động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của tỉnh, góp phần đáng kể vào mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa ở Quảng Nam lên hơn 37% vào năm 2025 và hơn 40% vào năm 2030.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt có xác lập nội dung đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 4 đô thị mới là Duy Nghĩa – Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình), Đại Hiệp (Đại Lộc), Tam Dân (Phú Ninh). Nhưng khi thời gian đã dần trôi về cuối năm 2024, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang.
Trong số này, Duy Hải – Duy Nghĩa là khu vực có nhiều nét tương đồng nhất với đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Tọa lạc vùng ven biển, lân cận các đô thị đã phát triển sôi động, cả Duy Hải – Duy Nghĩa và Điện Nam – Điện Ngọc còn có quy hoạch ranh giới vượt khỏi phạm vi một đơn vị hành chính cấp xã/phường.
Tuy nhiên, Duy Hải – Duy Nghĩa cũng đã xuất hiện nhiều tồn đọng chủ yếu liên quan đến công tác quy hoạch và đất đai cần phải sớm tập trung tháo gỡ, tránh lặp lại kịch bản luẩn quẩn như đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian qua mọi người vẫn thường mặc nhiên xem Duy Hải – Duy Nghĩa là đô thị. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa là đô thị vì chưa đảm bảo pháp lý.
Thực tế, hạ tầng kỹ thuật ở Duy Hải – Duy Nghĩa mới ổn ở các khu tái định cư và trong phạm vi dự án Nam Hội An. Các khu vực còn lại, dù huyện Duy Xuyên đã đầu tư khá nhiều nhưng so với tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn chưa đảm bảo.
Phân vân khái niệm đô thị mới
Hiện nay định nghĩa về đô thị theo dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có khác so với Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Theo Luật Quy hoạch đô thị, quy định đô thị đơn giản, súc tích là các thành phố, thị xã, thị trấn.
Còn khái niệm đô thị theo dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là nơi tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.
Theo ông Ngô Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, quy định cũ về đô thị gắn với cấp hành chính còn theo quy định mới khá trừu tượng, khó xác định. Bên cạnh đó, khái niệm đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai, lại nảy sinh mâu thuẫn với định nghĩa đô thị phía trên.
“Đô thị mới cần hiểu hoàn toàn là mới, không phát triển trên nền tảng nào. Hiện nay các đô thị phát triển từ trung tâm huyện lên thị trấn hoặc từ thị trấn lên thị xã thì bản thân nó đã mang hình hài của phố thì không nên gom vào khái niệm đô thị mới.
Các thị trấn hình thành mới ở Quảng Nam đơn cử như đô thị Tơ Viêng (Tây Giang) tới đây sẽ được xem là đô thị mới, khi đó thủ tục quy hoạch đô thị mới rất phức tạp, muốn triển khai thủ tục gì cũng phải có ý kiến từ Bộ Xây dựng”, ông Hùng nói.
Trong những năm tới, sẽ còn nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh chuyển mình thành phố theo mục tiêu đô thị hóa cũng như thích ứng quy luật phát triển của xã hội. Việc xác định đó là đô thị hay đô thị mới sẽ tác động rất nhiều đến công tác quy hoạch, quản lý, phát triển của phố thị. Với hầu hết thị dân, dĩ nhiên mối quan tâm lớn nhất của họ vẫn là chất lượng sống nơi mình cư ngụ…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lat-cat-tu-do-thi-moi-3142676.html