Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đậm nét đến vấn đề phát triển văn hóa, con người trong tổng thể đường lối phát triển chung của đất nước. Văn hóa được coi là một trong các trụ cột phát triển, là nền tảng tinh thần, là động lực và nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với việc cụ thể hóa thực hiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Học viện Chính trị khu vực III phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban tổ chức hội thảo, xin được trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã dành thời gian quý báu đến dự hội thảo ngày hôm nay, xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính thưa các đồng chí!
Quảng Nam là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa. Do những đặc thù về vị trí địa lý, lịch sử và sự giao thoa, bồi đắp… văn hóa Quảng Nam được hình thành với nhiều giá trị đặc trưng, độc đáo; con người Quảng Nam với ý chí khát vọng vươn lên, dấn thân, can trường, sáng tạo, anh dũng, quả cảm, khẳng khái, cao thượng, nhân văn để rồi ở những thời điểm mang tính lịch sử, giá trị ấy được hiện hữu nổi trội, tích cực. Nhờ đó, trải qua bao thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, với nền tảng văn hóa truyền thống của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” làm điểm tựa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và ra sức thi đua xây dựng, phát triển quê hương.
Kính thưa các đồng chí!
Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc. Nói đến văn hóa Quảng Nam là nói đến những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu, độc đáo. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 458 di tích được xếp hạng; trong đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt vừa là Di sản văn hóa thế giới), 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Bên cạnh hệ thống di sản vật thể, tỉnh Quảng Nam còn có sự phong phú, đa dạng của các loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó, Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam hiện diện ở nhiều ngành; trong đó, hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam, vừa là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Nam với Nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí!
Nhìn lại hơn 27 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương từ năm 2017. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng. Thaco Trường Hải đang phát triển, nhất là ngành công nghiệp cơ khí và ô tô, đóng góp ngân sách lớn, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa không chỉ đối với Quảng Nam mà còn với cả nước và đang hướng ra cạnh tranh toàn cầu.
Công nghiệp văn hóa đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa từng bước được nâng lên. Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, đối ngoại diễn ra sôi nổi, đạt nhiều kết quả, góp phần quảng bá văn hóa Quảng Nam ra khu vực và thế giới; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú nền văn hóa Quảng Nam; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến.
Kính thưa các đồng chí!
Hội thảo hôm nay diễn ra trong thời gian 1 buổi với gần 150 đại biểu tham dự trực tiếp. Với mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong tình hình mới; với tinh thần khách quan, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, các đồng chí đại biểu với kết quả nghiên cứu của bản thân và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cùng trao đổi, thảo luận để làm sâu sắc hơn một số vấn đề về nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc hội thảo; kính chúc lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III, quý vị đại biểu và các nhà khoa học mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/toan-van-phat-bieu-cua-bi-thu-tinh-uy-luong-nguyen-minh-triet-tai-hoi-thao-khoa-hoc-nhan-dien-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-quang-nam-trong-giai-doan-moi-3142394.html