Tên gọi từ hình thế
Núi Ấn còn gọi là núi Chúa, Hòn Vung, Hòn Đền… là ngọn núi hùng vĩ nhất với độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển. Ấn sơn thuộc hệ thống núi Hòn Tàu, là một hệ thống núi có diện tích trên 100 km2, kéo dài qua ba địa phương Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn.
Gọi là Hòn Vung vì núi có hình dạng như một cái vung úp xuống. Trong dân gian vẫn còn truyền câu ca dao: “Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung. Ba hòn chụm lại đỡ vùng Quảng Nam”.
Thầy giáo Hà Văn Đa – người có khá nhiều nghiên cứu điền dã và tác phẩm về Nông Sơn cho rằng, do độ cao và thế đứng độc lập của núi Chúa, nên dù ở xa như Điện Bàn, Hội An… người ta vẫn nhận ra núi Chúa với dáng núi đặc biệt của nó, sừng sững một góc trời Quảng Nam. “Với độ cao và địa hình như vậy nên cùng với Hòn Tàu và các dãy núi Hòn Kẽm, Hòn Than… núi Chúa đã chi phối, ảnh hưởng trực tiếp, tạo nên những kiểu thời tiết, khí hậu cục bộ của vùng thung lũng Trung Lộc. Ngày xưa, những lão nông tri điền đã dựa vào màu sắc, hình dáng, sự chuyển động… của các đám mây bao phủ ở núi Chúa vào những buổi sáng, buổi chiều để đoán mưa, nắng và đã đúc kết thành kinh nghiệm dân gian: “Núi Chúa viền mây trắng, trời đang nắng chuyển mưa”, “Hòn Tàu, Núi Chúa ủ ê. Khe Canh, vườn Rượu dẹp nghề trồng khoai”… – thầy giáo Hà Văn Đa viết.
HÀ VĂN
Gọi là núi Ấn vì núi “có hình thể cao chót vót, đỉnh núi như hình cái ấn vuông sắc đỏ” (theo Đại Nam nhất thống chí).
Tên núi Chúa vì “trên núi có đền thờ bà Chúa Ngọc Tiên nương”. Người dân quanh vùng vẫn thường gọi bằng tên này.
Tên gọi Hòn Đền có lẽ xuất phát từ việc dưới chân núi là hệ thống đền tháp Mỹ Sơn, hệ thống đền tháp lớn nhất của người Chiêm.
Dân trong vùng cho rằng ngọn núi rất thiêng. Ai đốn gỗ trên núi đem về làm nhà thì trước sau gì nhà cũng bị cháy, nếu không chủ nhân cũng sẽ bị “bất đắc kỳ tử”. Có lẽ chuyện được lưu truyền nhằm “răn đe” người dân khai thác quá mức ngọn núi để giữ cho Ấn sơn luôn là một “cấm sơn”.
“Kìa núi Ấn, nọ sông Đà”
Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) quê làng Lộc Đông huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Làng quê ông nằm dưới chân ngọn Ấn sơn. Ngồi ở làng luôn thấy ngọn Ấn sơn sừng sững trước mắt.
Nguyễn Đình Hiến từng là “đồng môn” của Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) ở trường Đốc Thanh Chiêm do Trần Đình Phong giảng dạy. Hai ông cũng từng là “đồng khoa” trong khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Huỳnh là Giải nguyên và Nguyễn là Á nguyên. Huỳnh Thúc Kháng nhiều lần đến thăm Nguyễn Đình Hiến và từng được thấy sự hùng vĩ của ngọn Ấn sơn và rất ấn tượng về ngọn núi này.
Năm 1908, khi phong trào kháng thuế cự sưu nổ ra, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt và bị kêu án tù chung thân đày Côn Đảo. Khi bị giam ở Đà Nẵng, ngày đi đày Côn Đảo, ông có làm bài hát nói có tên là “Bài ca lưu biệt”. Trong bài thơ có hai câu: Kìa núi Ấn, nọ sông Đà. Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt…
Núi Ấn ở đây là ngọn Ấn sơn, chủ sơn của Quảng Nam. Còn sông Đà ở đây là Đà Giang, cách gọi thời ấy của dòng sông chảy qua Đà Nẵng – ngày nay là hai dòng Cẩm Lệ và Hàn. Lần này cụ Huỳnh sử dụng núi Ấn và sông Hàn làm biểu tượng cho Quảng Nam chứ không dùng sông Thu Bồn và núi Ngũ Hành làm biểu tượng như nhiều người vẫn dùng lâu nay.
Năm 1947, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Huỳnh Thúc Kháng được cử đi kinh lý miền Trung Trung Bộ. Khi đến Quảng Ngãi thì ông lâm bệnh qua đời. Vì ngại đường sá xa xôi lại trong điều kiện đang chiến tranh nên trước khi qua đời cụ có ý nguyện xin được chôn cất tại Quảng Ngãi. Nhân dân Quảng Ngãi đã trân trọng chôn cụ trên núi Thiên Ấn – một danh thắng cũng là chủ sơn của tỉnh.
Ngày nay nhiều người khi đến thăm mộ cụ trên núi Thiên Ấn nhìn xuống dòng sông Trà Khúc thơ mộng đã nghĩ rằng mộ cụ khớp với hai câu thơ cụ làm hồi năm 1908 (do nghĩ núi Ấn trong bài thơ là núi Thiên Ấn và đọc nhầm sông Đà thành sông Trà) và cho rằng Huỳnh Thúc Kháng đã “tiên tri” được nơi an nghỉ của mình trước đó 39 năm.
Đây là một sự trùng hợp “đặc biệt” dẫn đến một ngộ nhận … lý thú!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quanh-ngon-an-son-3142264.html